|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 23/5: Thủy sản hút dòng tiền, thanh khoản PVD cao kỉ lục hơn 10 năm, VN-Index vẫn giằng co mạnh quanh 980 điểm

15:02 | 23/05/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán 23/5, dòng tiền tích cực hơn vào cuối phiên, đặc biệt tại nhóm thủy sản và dệt may giúp VN-Index không giảm quá mạnh.

Kết phiên, VN-Index mất 1,07 điểm (0,11%) còn 982,71 điểm; HNX-Index tăng 0,16% lên 106,3 điểm; UPCoM-Index tăng 0,02% lên 55,4 điểm.

Thị trường chứng khoán 23/5: Thủy sản hút dòng tiền, thanh khoản PVD cao kỉ lục hơn 10 năm, VN-Index vẫn giằng co mạnh quanh 980 điểm - Ảnh 1.

Diễn biến thị trường chứng khoán 23/5. Nguồn: Vietstock Finance

Dòng tiền tích cực hơn vào cuối phiên chiều giúp hai sàn hồi phục trở lại. Toàn bộ thị trường ghi nhận 304 mã tăng, 292 mã giảm và 107 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 226 triệu đơn vị, tương ứng 5.477 tỉ đồng.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận khoảng 52 triệu đơn vị, tương ứng 1.841 tỉ đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu VRE của Vincom Retail được thỏa thuận hơn 32,6 triệu cp, giá trị trên 1.110 tỉ đồng. Do vậy, nếu loại trừ giao dịch của VRE, khối lượng giao dịch hôm nay vẫn ở mức thấp.

Tại các nhóm cổ phiếu, ngành thủy sản và dệt may vẫn giữ mức hồi phục tích cực nhất, một số mã tăng nổi bật gồm ANV tăng kịch trần, CMX tăng 6,2%, ACL tăng 5%, STK và TNG tăng trên 3%. 

Cổ phiếu PVD giảm 1% còn 20.600 đồng/cp với lượng khớp lệnh hơn 10,7 triệu đơn vị. Đáng chú ý, đây là mức thanh khoản cao nhất lịch sử niêm yết từ năm 2007 đến nay của CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí. Bên cạnh đó, YEG giảm sàn còn 100.500 đồng/cp, tuy nhiên thanh khoản chỉ hơn 160.000 đơn vị.

Thị trường chứng khoán 23/5: Thủy sản hút dòng tiền, thanh khoản PVD cao kỉ lục hơn 10 năm, VN-Index vẫn giằng co mạnh quanh 980 điểm - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu PVD kể từ khi niêm yết. Nguồn: VNDirect

Tính đến 14h, VN-Index mất 3,47 điểm (0,35%) còn 980,31 điểm; HNX-Index mất 0,34% còn 105,77 điểm. Nhóm bất động sản hồi phục nhẹ trong phiên chiều với KDH, PDR, NLG, NVL, CII tăng điểm. Số mã đỏ của nhóm dầu khí đã thu hẹp lại với một số mã lùi về tham chiếu. Trong khi đó, thủy sản và dệt may giao dịch tích cực hơn, nổi bật là ANV tăng 6% lên 31.500 đồng/cp, ACL và CMX tăng trên 1%, STK và TNG tăng trên 2%.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 3,65 điểm (0,37%) lên 980,13 điểm; HNX-Index giảm 0,29% còn 105,82 điểm; UPCoM-Index giảm 0,3% còn 55,22 điểm. 

Toàn thị trường ghi nhận 309 mã giảm, 197 mã tăng và 145 mã tham chiếu. Thanh khoản rất thấp khi khối lượng giao dịch đạt 122 triệu đơn vị, tương ứng 2.881 tỉ đồng.

Hai sàn giảm sâu hơn vào cuối phiên sáng. Lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng. Đại diện là GAS, PLX, BID, CTG, TCB... gây áp lực lên chỉ số VN-Index. 

Chiều ngược lại, một số mã vẫn tăng tích cực trên 2% gồm DRC, VPG, STK, D2D, HDC...

Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 60 tỉ đồng trên HOSE, tập trung nhiều nhất vào PVD, HPG, VNM, HBC...

Tính đến 10h40, VN-Index đảo chiều tăng 0,37 điểm (0,04%) lên 984,15 điểm; HNX-Index giảm 0,12% còn 106 điểm; UPCoM-Index mất 0,1% còn 55,33 điểm. Thị trường vẫn diễn biến giằng co, đà tăng từ nhóm bluechips gồm VCB, TCB, NVL, MBB, MWG giúp VN-Index hồi phục nhẹ. Sắc đỏ vẫn bao phủ hầu hết các nhóm ngành, nổi bật là các mã họ dầu khí chịu áp lực chốt lời mạnh. 

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 1,11 điểm (0,11%) xuống 982,67 điểm; HNX-Index giảm 0,01% còn 106,12 điểm; UPCoM-Index mất 0,16% còn 55,3 điểm.

Thị trường mở cửa với tâm lí tiêu cực do áp lực bán từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (GAS, BID, PLX, VPB...). Rổ VN30 chỉ ghi nhận 7 mã tăng, dẫn đầu là CII, DPM, FPT, MWG nhưng mức tăng không quá 1%.

Nhóm ngân hàng diễn biến ảm đạm hơn phiên trước (22/5), chỉ một số mã ghi nhận sắc xanh như SHB, VCB, MBB, TCB.

Sau thông tin giá dầu hôm nay mất hơn 2% do tồn kho Mỹ bất ngờ tăng mạnh, nhóm cổ phiếu họ dầu khí cũng lao dốc, ngoại trừ PGI tăng 4,7%, PVX tăng kịch trần. 

Phố Wall ngày 22/5 đồng loạt giảm điểm trong bối cảnh lo lắng thương mại tăng lên; đồng thời sự sụt giảm của cổ phiếu hãng sản xuất chip Qualcomm và các hãng bán lẻ cũng ảnh hưởng xấu đến tâm lí thị trường.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 100,72 điểm xuống còn 25.776,61 điểm, trong đó cổ phiếu Apple giảm mạnh.

Chỉ số S&P 500 mất 0,3%, đóng cửa ở 2.856,27 điểm, trong đó nhóm ngành công nghệ mất 0,6%. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,5% còn 7.750,84 điểm.

Nhật Huyền