Thị trường chứng khoán (21/2): Cổ phiếu ngân hàng kém sắc, VN-Index giảm hơn 4 điểm
Đóng cửa, VN-Index giảm 4,46 điểm (0,41%) về 1.082,23 điểm, HNX-Index giảm 1,74 điểm (0,81%) xuống 214,08 điểm, UPCoM-Index giảm 0,65 điểm (0,82%) còn 78,18 điểm.
Độ rộng thị trường phân hóa khi ghi nhận 429 mã tăng, 426 mã giảm và 201 mã tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 854 triệu đơn vị, tương đương 13.888 tỷ đồng. Dòng tiền phiên chiều có phần thận trọng khiến giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE giảm gần 100 tỷ đồng so với phiên trước đó, còn 10.405 tỷ đồng.
Áp lực bán dâng cao sau 14h15 khiến VN-Index lùi xuống vùng giá đỏ. Lực cầu khá yếu sau đó không trụ vững khiến chỉ số tiếp tục giảm, đóng cửa VN-Index mất hơn 4 điểm.
Nhìn chung, sau phiên tăng mạnh, VN-Index xanh nhẹ theo quán tính khi mở cửa, song dần hạ nhiệt khi chỉ số tiệm cận ngưỡng cản 1.100. Cuối phiên chiều lực bán chiếm ưu thế khiến VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên. Một số nhóm ngành nỗ lực ngược dòng thị trường có thể kể đến như bán lẻ, đầu tư công, dầu khí tuy nhiên không duy trì đến cuối phiên.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, 1.100 là mốc kháng cự tâm lý mạnh và rung lắc có thể xảy ra. VN-Index hôm nay đã quay lại test cung nhưng chưa thể vượt qua kháng cự. Nhà đầu tư được khuyến nghị chờ tiếp phản ứng của thị trường quanh khu vực 1.080 điểm và tận dụng rung lắc để trading ngắn hạn các cổ phiếu sẵn có trong danh mục.
Tính đến14h00, VN-Index tăng 0,82 điểm (0,07%) lên 1.087,41 điểm, VN30-Index giảm 0,31 điểm (0,03%) về 1.087,05 điểm.
Thị trường duy trì biến động giằng co trong phiên chiều nay thể hiện qua các nhịp trồi sụt quanh ngưỡng tham chiếu. Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công trở thành điểm đến của dòng tiền với nhiều mã tăng tích cực như LCG, C4G, HHV, FCN, VCG, KSB, ...
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 1,69 điểm (0,16%) về 1.085 điểm, HNX-Index giảm 0,85 điểm (0,39%) còn 214,98 điểm, UPCoM-Index giảm 0,65 điểm (0,82%) xuống 78,18 điểm.
Độ rộng thị trường ghi nhận 373 mã tăng, 367 mã giảm và 206 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch khoảng hơn 422 triệu đơn vị, tương ứng 6.674 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE tăng gần 13% so với phiên trước lên 5.053 tỷ đồng.
Sắc đỏ bao trùm thị trường vào cuối phiên sáng, nhóm ngân hàng chịu áp lực bán tăng mạnh khiến các mã vốn hóa lớn như BID, VPB, CTG, MBB, TCB, ACB, LPB, STB ... đều giảm điểm. Tương tự, một số bluechip như VNM, GAS, BCM, MSN, ... cũng chìm trong sắc đỏ. Ngược lại, đà tăng của nhóm địa ốc dù hạ nhiệt nhưng vẫn là nhân tố góp phần giữ nhịp cho thị trường chung.
Liên quan đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, họ tiếp tục bán ròng hơn 33 tỷ đồng trên HOSE phiên sáng nay, tập trung rút ròng các mã DCM, DXG, DPM, KDC, VRE, ...
Tính đến 11h00, VN-Index tăng 0,35 điểm (0,03%) lên 1.087,04 điểm, VN30-Index giảm 1,03 điểm (0,09%) về 1.086,33 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng dần về bên bán khi số mã giảm điểm đang chiếm ưu thế. VN-Index theo đó cũng chỉ còn xanh nhẹ trên ngưỡng tham chiếu. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE tiếp tục tăng so với phiên trước, hiện đạt hơn 4.200 tỷ đồng.
Tính đến 9h50, VN-Index tăng 3,25 điểm (0,3%) lên 1.089,94 điểm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (0,08%) đạt 216 điểm, UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (0,42%) về 78,5 điểm.
Tiếp nối xu hướng tăng điểm của phiên trước, VN-Index mở phiên sáng nay tăng hơn 3 điểm. Với 4 phiên tăng liên tiếp, VN-Index đang được kỳ vọng sẽ vượt ngưỡng 1.100 điểm đồng thời quay lại mức đỉnh ở tháng 1/2023. Tuy nhiên khu vực 1.080 - 1.100 điểm vẫn là vùng cản mạnh của chỉ số chính.
Sau khoảng 50 phút giao dịch đầu phiên sáng, VN-Index đang diễn biến tương đối thận trọng với điểm sáng đến từ nhóm cổ phiếu bất động sản. Riêng nhóm này đã đóng góp gần 2 điểm cho sắc xanh của chỉ số chính. Trong đó, VHM, VIC, NVL, VRE, GVR đang là một trong các trụ đỡ tích cực nhất trên thị trường.
Ngoài ra nhóm bất động sản midcap và penny cũng ghi nhận mức tăng tốt như LDG (+5,9%), SCR (+4,8%), HPX (+3,9%), DIG (+3%), ITA (+3%), hay như HQC tăng hết biên độ với khối lượng dư mua giá trần lên tới gần 24,8 triệu đơn vị.
Chuyển động nhóm ngành còn lại nhìn chung vẫn là phân hóa sau phiên bùng nổ trước đó.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ President’s Day. Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản từ cuộc họp chính sách mới đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm manh mối về quy mô của các đợt tăng lãi suất tiếp theo của nước này.