|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (16/11): Gần 300 mã tăng trần, VN-Index quay đầu tăng 31 điểm

15:00 | 16/11/2022
Chia sẻ
VN-Index mở cửa giảm điểm mạnh về vùng hỗ trợ cứng từ năm 2018 là 860 - 880 điểm. Trên HOSE, bên bán áp đảo với 328 mã giảm, trong đó, có đến gần phân nửa giảm sàn so với chỉ 33 mã tăng. Xu hướng giảm điểm diễn ra ở toàn bộ các nhóm ngành.

Đóng cửa, VN-Index tăng 31 điểm (3,4%) lên 942,9 điểm, HNX-Index tăng 7,66 điểm (4,36%) đạt 183,45 điểm, UPCoM-Index tăng 2,03 điểm (3,2%) đạt 65,32 điểm.

Diễn biến thị trường khởi sắc hơn về cuối phiên chiều nay. Sắc xanh phủ khắp thị trường với giao dịch tích cực ở nhiều nhóm ngành. Về cuối phiên giao dịch, hàng loạt các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, bất động sản, dầu khí, thép, bán lẻ, bứt phá góp phần giúp các chỉ số biến động tích cực hơn.

VN-Index đóng cửa ở mốc 942,9 điểm, tăng 31 điểm tương ứng 3,4% với thanh khoản cải thiện gấp đôi phiên giao dịch hôm trước. 

Sau nhiều phiên bán tháo, độ rộng thị trường đã trở lại với sắc xanh chiếm ưu thế. Theo thống kê, những mã tác động lớn nhất đến đà tăng của thị trường có VIC, BID, GAS, CTG, VHM, VPB, HPG, TCB,...  Ở chiều ngược lại, những mã kéo tụt chỉ số có VNM, NVL, SAB, EIB, PDR.

Tính đến 14h00, VN-Index tăng 28,14 điểm (3,09%) lên 940,04 điểm, VN30-Index tăng 32,42 điểm (3,58%) đạt 937,19 điểm.

Đà hồi phục tiếp tục được nới rộng từ đầu phiên chiều. Tại nhóm vốn hóa lớn, ngoài HPG và GVR đã tím trần từ cuối phiên sáng, thêm 4 mã bật tăng hết biên độ là STB, BID, ACB và SSI.

Không riêng gì nhóm vốn hóa lớn, nhiều cổ phiếu midcap và penny cũng bật tăng từ giá sàn lên giá trần, điển hình như APS, VIX, VGC, ITA, HAR, HDG, HSG, LSS, HQC, TIP, CII,... Tính đến hiện tại, sàn HOSE ghi nhận gần 100 mã tăng trần, tương tự HNX có 67 mã và thị trường UPCoM ghi nhận 39 mã.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 8,01 điểm (0,88%) đạt 919,91 điểm, HNX-Index giảm 1,23 điểm (0,7%) xuống 174,55 điểm, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (0,03%) còn 63,28 điểm.

 Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên sáng ngày 16/11. (Nguồn: VNDirect).

VN-Index có cú lội ngược dòng ngoạn mục trong phiên sáng nay nhờ nỗ lực phục hồi của nhóm vốn hóa lớn. Từ mốc thấp nhất phiên sáng là 873 điểm, VN-Index được kéo cao hồi phục lên gần 920 điểm, tương đương biên độ dao động lên tới gần 50 điểm. 

Dừng phiên sáng, HPG và GVR tăng trần, theo sau là VRE tăng 6,2% lên 26.500 đồng/cp, ACB tăng 5,5% lên 20.150 đồng/cp, cùng với VIC, GAS, BID, VHM,... trở thành những trụ đỡ chính của thị trường. Chiều ngược lại, bộ đôi PDR và NVL vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh nằm sàn với khối lượng dư bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị. Sắc đỏ của VCB, BCM, EIB,... vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến đà đi lên của chỉ số chính.

 Cổ phiếu VCB của Vietcombank là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index phiên sáng nay. (Ảnh: Thu Thảo).

Sự bứt tốc của các mã đầu ngành khiến độ rộng thị trường được cân bằng trở lại. Sàn HOSE ghi nhận 219 mã tăng/216 mã giảm, số mã nằm sàn cũng được thu hẹp còn 45 cổ phiếu.

Về thanh khoản, tổng giá trị giao dịch phiên sáng nay tăng mạnh lên 9.569 tỷ đồng, tương đương hơn 773 triệu cổ phiếu được mua bán. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản khớp lệnh gần gấp đôi phiên trước với hơn 7.855 tỷ đồng.

Tính đến 11h00, VN-Index giảm 8,19 điểm (0,9%) xuống 903,71 điểm, VN30-Index giảm 4,37 điểm (0,48%) còn 900,4 điểm.

Cổ phiếu lớn hồi phục mạnh mẽ tạo động lực cho các nhóm cổ phiếu còn lại. VN-Index vừa có cú kéo hồi gần 45 điểm. Thị trường bị ép sâu đang có cầu đỡ và nhiều mã biến động mạnh từ giá sàn lên giá trần. Tại nhóm vốn hóa lớn STB, ACB, VRE có thời điểm được kéo mạnh lên sắc tím trần.

Tính đến 9h30, VN-Index giảm 37,17 điểm (4,08%) về 874,73 điểm, HNX-Index giảm 5,52 điểm (3,14%) xuống 170,26 điểm, UPCoM-Index giảm 1,42 điểm (2,25%) về 61,88 điểm.

VN-Index mở cửa giảm điểm mạnh về vùng hỗ trợ cứng từ năm 2018 là 860 - 880 điểm. Trên HOSE, bên bán áp đảo với 328 mã giảm, trong đó, có đến gần phân nửa giảm sàn so với chỉ 33 mã tăng. Xu hướng giảm điểm diễn ra ở toàn bộ các nhóm ngành. Các cổ phiếu ngân hàng là VCB, BID, VPB, TCB, CTG thuộc trong nhóm tác động tiêu cực nhất khiến VN-Index giảm điểm mạnh.

Trong khi đó, VFG, TMS, BTP, LBM nằm trong những mã hiếm hoi đi ngược xu hướng thị trường để tăng điểm tính đến hiện tại, tuy nhiên vốn hóa nhỏ nên nỗ lực nâng đỡ là không đáng kể.

Theo dự báo trước đó của công ty chứng khoán, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là tín hiệu quan trọng để xác định tín hiệu của thị trường, chừng nào nhóm cổ phiếu này có lực cầu "quét” hết lượng bán giá sàn thì thị trường mới có cơ hội để hồi phục.

Theo quan sát, đà bán tháo trên diện rộng với nhóm địa ốc vẫn chưa hề hạ nhiệt đầu phiên sáng nay, với loạt mã giảm kịch sàn như VPH, HQC, LDG, PDR, NLG, ITA, DIG, HDC, HDG, DXG, DXS, SCR, CII, CEO,...

Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ diễn biến khả quan trong phiên 15/11 sau khi Cục Thống kê Lao động cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 tăng chậm hơn dự báo. Tuần trước, số liệu giá tiêu dùng (CPI) được công bố cũng tích cực hơn kỳ vọng.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 56 điểm, tương đương 0,17%, và kết phiên ở gần 33.593 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,87% lên gần 3.992 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite diễn biến khởi sắc nhất khi thêm 1,45% và đóng cửa trên 11.358 điểm.

Thu Thảo

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.