|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (10/9): Bán mạnh midcaps, VN-Index chỉ còn tăng hơn 1 điểm khi kết phiên

14:50 | 10/09/2021
Chia sẻ
Dòng tiền từ nhóm vốn hóa lớn hạ nhiệt trong khi áp lực bán gia tăng tại nhóm midcaps khiến VN-Index chỉ còn tăng hơn 1 điểm khi kết phiên. Lại một lần nữa vùng cản tại mốc 1.350 điểm gây khó khăn cho quá trình tiến bước của chỉ số.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,33 điểm (0,1%) lên 1.345,31 điểm, HNX-Index giảm 0,4 điểm (0,11%) còn 350,05 điểm, UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (0,61%) lên 95,41 điểm.

Thị trường chứng khoán (10/9): Bán mạnh midcaps, VN-Index chỉ còn tăng hơn 1 điểm khi kết phiên - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên 10/9. (Nguồn: VNDirect)

Dòng tiền từ nhóm vốn hóa lớn hạ nhiệt trong khi áp lực bán gia tăng tại nhóm midcaps khiến VN-Index chỉ còn tăng hơn 1 điểm khi kết phiên. Lại một lần nữa vùng cản tại mốc 1.350 điểm gây khó khăn cho quá trình tiến bước của chỉ số. Đây sẽ vẫn là ngưỡng cản tâm lý mạnh đối với nhà đầu tư khi thị trường chưa tìm được nhóm dẫn dắt trong khi thiếu vắng yếu tố dòng tiền.

Thị trường phiên cuối tuần không có nhiều điểm nhấn khi các cổ phiếu trụ thay nhau gồng đỡ trong khi thanh khoản duy trì ở mặt bằng tương tự hai phiên trước, cho thấy trạng thái giao dịch giằng co. Điểm sáng là dòng tiền vẫn đang luân phiên dịch chuyển để tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn.

Theo quan sát, độ rộng thị trường trên HOSE khá cân bằng vơi 213 mã tăng, 194 mã giảm và 43 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản sàn HOSE đạt 19.237 tỷ đồng, tương đương phiên hôm qua. Tính trên toàn thị trưởng thì tổng giá trị giao dịch ghi nhận 24.560 tỷ đồng.

Khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng trên HOSE với quy mô hơn 730 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là giao dịch xả cổ phiếu VHM với giá trị hơn 552 tỷ đồng.

Tính đến 14h00, VN-Index tăng 5,46 điểm (0,41%) lên 1.349,45 điểm, VN30-Index tăng 5,92 điểm (0,41%) lên 1.453,2 điểm.

Sau nhịp võng xuống đầu phiên chiều, VN-Index dần lấy lại thế cân bằng và tiếp tục hướng tới vùng kháng cự mạnh tại 1.350 điểm. Dòng tiền luân phiên dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, tuy vậy chưa ngành nào thực sự bứt phá để đưa thị trường vượt cản.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 4,55 điểm (0,34%) lên 1.348,53 điểm, HNX-Index giảm 0,02% còn 350,36 điểm, UPCoM-Index tăng 0,45% lên 95,26 điểm.

Thị trường chứng khoán (10/9): Thiếu dòng dẫn dắt, VN-Index chưa thể vượt cản tại 1.250 điểm - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên sáng 10/9. (Nguồn: VNDirect).

VN-Index duy trì dao động trong biên độ hẹp tới cuối phiên. Sắc xanh có sự lan tỏa đều giữa các nhóm ngành nhưng chưa tìm được dòng 'lead' thị trường để bứt qua mốc cản mạnh tại 1.350 điểm.

Không chỉ thiếu vắng dòng dẫn dắt, điều mà thị trường còn thiếu lúc này là sự ủng hộ của dòng tiền. Thanh khoản thị trường tiếp tục suy giảm so với phiên trước với tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt 13.918 tỷ đồng, tương đương 520 triệu cổ phiếu được mua-bán. Thanh khoản sàn HOSE đạt trên 10.900 tỷ đồng, giảm gần 3% so với phiên sáng hôm qua.

Quan sát diễn biến theo nhóm ngành, các nhóm ngân hàng, du lịch & giải trí, bất động sản, chứng khoán và bán lẻ đang neo giá khá tốt và là trụ đỡ quan trọng giúp giữ nhịp thị trường. 

Trong khi đó, phiên sáng nay chứng kiến sự đảo chiều của nhóm thép. Sau khi giao dịch hưng phấn trong hai phiên trước, nhiều cổ phiếu ngành thép hiện đang chịu áp lực điều chỉnh như HPG, HSG, NKG, POM, TLH, SMC. Bên cạnh đó, một số nhóm ngành giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu như hóa chất, điện từ & thiết bị điện, công nghiệp nặng...

Giao dịch của khối ngoại tiếp tục là điểm trừ khi họ duy trì bán ròng với quy mô hơn 300 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, cổ phiếu VHM của Vinhomes bị xả mạnh nhất với hơn 213 tỷ đồng, theo sau là VNM (76 tỷ đồng), FUEVFVND (26,7 tỷ đồng)...

Tính đến 10h30, VN-Index tăng 4,02 điểm (0,3%) lên 1.348 điểm, VN30-Index tăng 3,99 điểm (0,28%) lên 1.451,27 điểm.

Mặc dù thị trường có sự lan tỏa đồng đều giữa các nhóm cổ phiếu nhưng đang tỏ ra đuối sức sau khi gặp cản tại 1.350 điểm. Thiếu đi dòng dẫn dắt, thị trường vẫn đi ngang trong biên độ hẹp và chưa thể bứt phá.

Tính đến 9h45, VN-Index tăng 5,05 điểm (0,38%) lên 1.349,03 điểm, HNX-Index tăng 0,33% lên 350,54 điểm, UPCOM-Index 0,25% lên 95,06 điểm.

Tiếp nối xu hướng hồi phục trong ngày hôm qua, thị trường chứng khoán phiên cuối tuần mở cửa trong sắc xanh với động lực tăng điểm lan tỏa đều giữa các dòng cổ phiếu. Xung lực tăng mạnh đưa chỉ số áp sát mốc 1.350 điểm, đây là ngưỡng kháng cự quan trọng mà chỉ số đã kiểm định thất bại trong phiên đầu tuần.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng trần từ đầu phiên trong trạng thái trắng bên bán như RDP, SJF, TCO, TDG, TGG, VPH, AGM, AST, QBS, APG, PHC.

Các mã hiện đang tác động tích cực nhất lên VN-Index có VPB, VIC, VRE, HVN, VHM, CTG, MSN, FPT, VND. Trong khi đó, VCB, MWG và HDB là ba cản chính của thị trường. 

Sau hai phiên điều chỉnh, sắc xanh đã trở lại với nhóm bất động sản trong phiên sáng nay, đây cũng là ngành dẫn dắt đà tăng của VN-Index với mức đóng góp 1,26 điểm. Kế đó, nhóm dịch vụ tài chính, du lịch & giải trí, ngân hàng... tích cực nâng đỡ thị trường. Số ít ngành đang giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu như dược phẩm, hàng công nghiệp, công nghiệp nặng... 

Trở lại với diễn biến quốc tế, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 9/9 đồng loạt giảm điểm khi nhà đầu tư lo ngại tác động của biến thể Delta tới hoạt động của các doanh nghiệp.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 152 điểm, tương đương 0,43%, đóng cửa ở 34.879 điểm. Hai thành viên thuộc ngành dược phẩm là Amgen và Merck dẫn đầu đà đi xuống.

S&P 500 cũng giảm 0,46% còn 4.493 điểm. Đây là phiên đi xuống thứ 4 liên tiếp của cả Dow Jones và S&P 500. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0,25%, kết phiên ở 15.248 điểm.

Thu Thảo

Giảm VAT 2% lần thứ 5: Nên giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ để mang lại hiệu quả cao nhất
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, để đạt hiểu quả cao nhất, các chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ.