|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường cá tra 2019: Vị đắng sau chiến thắng ngọt ngào

07:00 | 12/12/2019
Chia sẻ
2018 ghi nhận một năm thành công với ngành cá tra Việt Nam khi giá cá tra đạt ngưỡng kỉ lục. Thế nhưng bước sang năm 2019, bóng tối bao trùm con cá tra Việt Nam khi giá liên tục lao dốc và hoạt động xuất khẩu chững lại.

2019 là năm "vui buồn lẫn lộn" đối với ngành cá tra Việt Nam. 

Vui vì Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ POR15 xuống còn 0% vào tháng 10/2019 tuy nhiên, chính thức phải chờ đến năm 2020. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp vẫn chịu mức thuế chống bán phá giá của đợt rà soát POR14 là 1,37 – 2,39 USD/kg.

Đồng thời, Mỹ cũng đã chính thức công nhận tương đương hệ thống kiếm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu mặt hàng cá tra sang thị trường này.

Thế nhưng, có lẽ ngành cá tra năm nay buồn nhiều hơn vui khi giá liên tục giảm mạnh kéo theo kim ngạch xuất cũng đi xuống.

Untitled-2-01

Nếu người dân nuôi cá tra hân hoan với giá cá tra đạt kỉ lục vào tháng 10/2018, thì chỉ vài tháng sau đó họ lại phải chứng kiến giá cá tra liên tục giảm mạnh trong năm 2019. 

Tính từ đầu năm đến hết tháng 11, giá cá tra giảm tới hơn 10.000 đồng/kg, tương đương 36% xuống chỉ còn 19.000 đồng/kg.

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-10 lúc 15

Diễn biến giá cá tra từ thời điểm đạt ngưỡng kỉ lục (tháng 10/2018) đến tháng 11/2019. Đơn vị: đồng/kg (Ảnh: Đức Quỳnh)

Nếu so với mức giá kỉ lục thiết lập từ tháng 10/2018 là 33.500 đồng/kg, giá cá tra cuối năm nay giảm tới hơn 46%. Với mức giá 19.000 đồng/kg, người dân lỗ 4.000 đồng/kg.

Trao đổi với người viết, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định: "Không ai có thể chịu nổi mức giá 19.000 - 20.000 đồng/kg".

quote

Đồ họa: Alex

Theo ông Quốc, do năm ngoái cá tra được giá, người dân đổ xô nuôi dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra năm nay chững lại sau một năm tăng trưởng mạnh, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 10% sản lượng.

Untitled-2-02

 Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính đến hết tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,64 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kì năm 2018.

Do giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Brazil và Colombia vẫn còn chìm sâu trong tăng trưởng âm, giá nguyên liệu giảm mạnh so với cùng năm ngoái nên xuất khẩu cá tra trong thời gian này không thể tăng cao hơn.

Mặt khác, việc xuất khẩu sang các thị trường chính đã chậm lại do nhu cầu giảm và các vấn đề liên quan đến chính sách nhập khẩu của các nước sở tại, đặc biệt là Mỹ - thị trường tiêu thu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam.

Hồi tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tăng thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng trong giai đoạn 1/8/2016 đến 31/7/2017.

Mức tăng cao nhất là Công ty CP Hùng Vương Group từ 0 USD/kg ở kết quả sơ bộ lên 3,87 USD/kg.

NTSF Seafood vẫn giữ 1,37 USD/kg so với mức thuế sơ bộ đã công bố. 4 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác là C.P Vietnam, CL-FISH, GREEN FARMS SEAFOOD và VINH QUANG CORP bị áp mức thuế 1,37 USD/kg.

Thuế suất toàn quốc vẫn giữ 2,39 USD/kg (áp dụng cho các doanh nghiệp ngoài danh sách nói trên muốn xuất khẩu cá tra vào Mỹ).

Theo số liệu của VASEP, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 232,9 triệu USD, giảm sâu tới 45,8% so với cùng kì năm trước. Đồng thời, đây là mức giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài đã gây thiệt hại cho ngành sản xuất cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ và nhiều nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam hi vọng sẽ gia tăng cơ hội tại thị trường này.

Tuy nhiên, trái với dự đoán, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn giảm do rào cản thương mại và thuật vẫn ngăn cản tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này.

"Có thể nói, năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ không như mong đợi của nhiều doanh nghiệp. Do sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường này nên một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam không đạt doanh số như vọng.

Rào cản thương mại và thuật, giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh tác động trực tiếp tới giá xuất khẩu cũng khiến cho giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm trong 10 tháng đầu năm nay", VASEP nhận định.

Ngoài ra, việc các nước khác cũng bắt đầu nuôi cá tra cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện Việt Nam có sản lượng cá tra 1,3 triệu tấn, Ấn Độ cũng đã có 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn.

Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam. Sản phẩm cá tra của các nước này đã tham gia vào thị trường xuất khẩu, mặc dù hiện đang chiếm thị phần nhỏ nhưng việc các quốc gia này đầu tư tăng sản lượng nuôi sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

VASEP tỏ ra không mấy lạc quan về thị trường này khi cho rằng trong quí IV/2019 và tính chung cả năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này vẫn giảm.

Trong bức tranh xuất khẩu cá tra tra tổng thể, VASEP cho rằng năm 2019 khó lòng thoát khỏi tăng trưởng âm. Theo đó, xuất khẩu cá tra có thể giảm khoảng 15% so với 2018.

Untitled-2-03

Những tháng cuối năm 2019, ngành cá tra đón hai tin vui đến từ thị trường Mỹ. 

Theo đó, đầu tháng 11, Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông Nghiệp Mỹ đã thông báo về việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện tương đương với Mỹ.

Theo Bộ NN&PTNT, để đạt được kết quả này, ngành phải mất 3 năm để hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật; tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho hàng triệu hộ nông dân về điều kiện bảo đảm vệ sinh.

Bộ NN&PTNT nhận định việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành cá tra bền vững trong thời gian tới.

Ngoài ra, ông Dương Nghĩa Quốc cho biết kết quả của soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) đối với cá tra xuất khẩu sang Mỹ được xem là tín hiệu tốt tác động lên tâm lí doanh nghiệp khi thuế giảm xuống còn 0%.

Tuy nhiên, theo ông Quốc, đây mới chỉ là kết quả rà soát sơ bộ và phải đến tháng 2/2020 mới có kết quả chính thức. VASEP kì vọng năm 2020, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ tăng trở lại.

Ngoài ra, với việc các hiệp định thương mại lớn như EVFTA, CPTPP xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiềm năng như Liên minh châu Âu (EU), Mexico, Canada.

VASEP nhận định EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được kết cho tới nay.

Đối với CPTPP, VASEP cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng có thể lạc quan tin tưởng rằng sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam tại một số thị trường truyền thống hoặc tiềm năng với cá tra như Mexico, Nhật Bản hay Chile.

Hiện nay, doanh nghiệp cũng đang tăng cường chế biến cá tra, tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Điển hình là Vĩnh Hoàn với các sản phẩm cá tra ăn liền, nấu liền và collagen-gelatin được ưa chuộng ở Nhật, Mỹ và châu Âu.

Nam Việt với surimi và collagen sắp được tung ra thị trường. IDI đang nghiên cứu cá tra xông khói, cá tra đóng hộp và xúc xích cá tra.

H.Mĩ