Thị trường bước tới giai đoạn chạm đáy, phân khúc BĐS nào sẽ 'miễn dịch'?
Ám ảnh bức tranh khủng hoảng 2011-2013 quay trở lại?
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã và đang trở thành “cú sốc” với thị trường bất động sản Việt Nam. Kể từ khi thông tin của đại dịch xuất hiện, lượng giao dịch đã có sự chững lại đáng kể.
Báo cáo mới đây của CBRE cho hay, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương. Gần như toàn bộ các loại hình bất động sản chính đều đang chịu thiệt hại đáng kể do dịch bệnh trong hơn 2 tháng qua.
CBRE nhận định, phân khúc bán lẻ, bất động sản nghỉ dưỡng và công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Các sự kiện mở bán căn hộ, sự kiện quảng bá bị hoãn tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc.
Thiệt hại này khiến các doanh nghiệp BĐS lớn lao đao và cũng không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Bà Võ Thị Khánh Trang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Savills Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Covid-19 đã và đang làm suy yếu những triển vọng cho thị trường bất động sản.
“Thị trường chịu ảnh hưởng nặng nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, theo sau đó là mảng văn phòng và bất động sản công nghiệp, thị trường nhà ở cũng không được “miễn dịch” bởi đại dịch này”, bà Trang nhấn mạnh.
Doanh thu sụt giảm, lượng giao dịch trên thị trường gần như tụt dốc không phanh, doanh nghiệp lao đao… là những dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn “đóng băng”.
Sự trầm lắng của thị trường bất động sản hiện tại khiến giới đầu tư liên tưởng tới bức tranh đen tối giai đoạn đoạn đóng băng 2011-2013 khi doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nhiều khu đô thị bất động trở thành “ngôi nhà ma” và nhà đầu tư mất niềm tin vào kênh bỏ vốn – bất động sản.
Nhu cầu ở thực tiếp tục lên ngôi?
Ám ảnh về bức tranh khủng hoảng năm 2011-2013 đã quay trở lại khi thị trường hoàn toàn bất động. Nếu dịch bệnh khó kiểm soát, tiếp tục kéo dài, nhiều e ngại cho rằng, thị trường sẽ phục hồi chậm và phải cần một khoảng thời gian dài để quay trở về quỹ đạo ban đầu.
Tuy nhiên, dù trong bối cảnh thị trường khó chồng khó, giới đầu tư vẫn cho rằng, sẽ có những sản phẩm đủ khả năng “miễn nhiễm” trước tình trạng “bất động”.
Ông Nguyễn Quang Minh (Tổng giám đốc Công ty Hùng Vương Land) cho biết: “Thị trường bất động sản dù khó khăn đến mức chạm đáy thì vẫn có những phân khúc hút nhà đầu tư.
Thực tế chứng minh, khi thị trường xuống dốc thì những phân khúc đánh mạnh vào nhu cầu ở thực, vừa túi tiền vẫn luôn đắt hàng”.
Theo ông Minh chia sẻ, hiện tại, các sản phẩm đất nền với mức giá từ 300- 500 triệu đồng/ lô vẫn hút khách hàng mua.
“Nhiều khách còn găm mặt hàng này. Bởi phân khúc này vừa túi tiền với nhà đầu tư. Ngoài ra, trong thời điểm dịch bệnh, nền kinh tế khó khăn, nhà đầu tư có tiền vẫn muốn chọn bất động sản là nơi giữ vốn.
Hơn nữa, dịch bệnh khiến giá bất động sản cũng có phần hạ xuống. Đây lại chính là cơ hội đầu tư cho những nhà đầu tư mạnh dạn. Hoặc những gia đình trẻ có nhu cầu mua để ở”.
Trong khi đó, ông Ngọc (Giám đốc một công ty môi giới tại Thanh Trì) cũng cho biết, lượng khách quan tâm đến phân khúc NƠXH hoặc nhà ở chung cư giá rẻ vẫn có.
“Thị trường dẫu có đi xuống thì nhu cầu ở thực không thể co hẹp lại. Thế nên, phân khúc nhà ở giá rẻ hay NƠXH đáp ứng nhu cầu ở thực vẫn đắt hàng.
Ngay cả phân khúc liền kề, biệt thự hay chung cư có vị trí tốt, đáp ứng đúng tiêu chí của khách hàng thì khả năng thanh khoản vẫn cao, giao dịch ổn”.
Dẫn chứng về thời điểm giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng 2011-2013, ông Ngọc cho rằng: “Đó là thời điểm tưởng chừng như cả thị trường xuống dốc không phanh.
Nhà đầu tư không dám bỏ tiền ôm hàng. Nhưng từ năm 2013, thị trường căn hộ giá rẻ phục hồi.
Bước sang năm 2014, thị trường căn hộ giá rẻ còn rơi vào tình trạng sốt hàng nhanh chóng.
Đây chính là phân khúc đánh vào nhu cầu ở thực trên thị trường đông dân như Hà Nội. Thế nên, dù thị trường khó khăn nhưng vẫn luôn xuất hiện ngách cơ hội cho nhà đầu tư”.