Thép: Vấn đề gây tranh cãi trước thềm Hội nghị G20
Thép: Vấn đề gây tranh cãi trước thềm Hội nghị G20. Ảnh minh họa: Reuters |
Với lý do an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép và châu Âu, khu vực vốn đã có khúc mắc với Trung Quốc, dự định sẽ có phản ứng tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tới đây ở Hamburg (Đức).
Vấn đề từng gây tranh cãi giữa châu Âu và Trung Quốc về dư thừa công suất trong sản xuất thép trên thế giới đang trở thành mối bất đồng giữa Mỹ và các nước châu Âu trước thềm Hội nghị G20 và tại Hội nghị, hai bên dự kiến sẽ bàn thảo về vấn đề nhạy cảm này.
Vấn đề dư thừa công suất thép trên thế giới, nhất là tại Trung Quốc, đã từng được đưa ra trước Hội nghị G20 vào tháng 9/2016. Hội nghị thừa nhận tầm quan trọng của việc phải xử lý vấn đề đang gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu này.
Trong thông cáo chung do nước Chủ tịch là Trung Quốc soạn thảo, G20 đã thừa nhận việc cần thiết phải phối hợp hành động để giải quyết vấn đề này. Hơn nữa, 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới đã phản đối các hành vi bảo hộ và các hình thức hỗ trợ của nhà nước, trong đó chỉ rõ việc sử dụng các biện pháp này có thể bóp méo thị trường.
Trung Quốc, nước sản xuất khoảng một nửa số thép trên toàn cầu, được cho là đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ cho lĩnh vực này với mục đích tạo ra nhiều việc làm.
Cơ chế bảo hộ của Trung Quốc dẫn đến kết quả các nhà sản xuất của nước này buộc phải bán sản phẩm thép dưới giá thành. Châu Âu đã quyết định tăng cường các công cụ phòng vệ thương mại, còn Trung Quốc đã kiện Liên minh châu Âu (EU) lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Từ phía Mỹ, trong nhiều tuần qua, chính quyền của ông Trump đã dọa sẽ thực hiện các biện pháp bảo hộ trước thép nhập khẩu đến từ các nước khác. Tổng thống Mỹ muốn hạn chế nhập khẩu thép với lý do điều này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Phản ứng lại động thái của Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC) đã có ý kiến bằng văn bản tới Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Trong văn bản này, EC đảm bảo không có yếu tố nào cho thấy thép nhập khẩu, và chắc chắn không phải là thép của châu Âu, ảnh hưởng hoặc đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.
EC bày tỏ hy vọng nước Mỹ sẽ không lấy lý do an ninh quốc gia để đưa ra các biện pháp ngăn chặn tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu và trong trường hợp có các vấn đề liên quan đến giá hoặc chất lượng các sản phẩm thép đặc chủng đến từ một số nước thì cần được xử lý thông qua các công cụ pháp lý hiện hành.
Một biện pháp bảo hộ được quy định trong Điều khoản 232 của Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 cho phép Tổng thống có quyền hạn chế nhập khẩu những sản phẩm gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Bộ trưởng Thương mại sẽ phải đưa ra báo cáo đánh giá tác động của việc nhập khẩu thép lên an ninh quốc gia của Mỹ.
Phía Pháp đánh giá một loạt các biện pháp có thể được đưa ra trên cơ sở lập luận đó bởi các nhà chức trách Mỹ và cho rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp thép của Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.
Pháp nhấn mạnh nếu các biện pháp do Mỹ đưa ra ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước châu Âu và không tuân thủ các quy tắc của WTO, EU sẽ ngay lập tức có hành động phản ứng trong khuôn khổ chính sách chống bán phá giá của EU.