Thép nội phục hồi nhưng vẫn lo xa
Tuy nhiên, ngành thép sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu thép được thực thi theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Phục hồi rõ nét
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, trong 9 tháng đầu 2016, chỉ số nhóm ngành thép đã tăng đến 45%. Còn theo đánh giá mới nhất của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBanksc), các DN thép niêm yết có sự phục hồi rõ rệt với lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng năm 2016 cao hơn hẳn so với cả năm 2015.
Xét về các chỉ số sinh lời, trong số các DN sản xuất thép thì Hòa Phát (HPG) là DN đứng đầu về tỷ suất lợi nhuận (đạt 4.656,4 tỷ đồng), tiếp đến là Hoa Sen (HSG) với 1.313,7 tỷ đồng, Ống thép Việt Đức (VGS) với 339,4 tỷ đồng. Còn với nhóm DN thương mại thép thì Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) đạt lợi nhuận 339,4 tỷ đồng (năm ngoái lợi nhuận của DN này âm 173,1 tỷ đồng), kế tiếp là Công ty CP Đầu tư thương mại SMC đạt lợi nhuận 228,5 tỷ đồng (năm ngoái lợi nhuận âm 195,8 tỷ đồng). Ngoài ra, lợi nhuận của các DN thép niêm yết khác như Thép Nam Kim (NKG), Thép Pomina, Thép Việt Ý... cũng được đánh giá là khởi sắc so với năm trước.
Mặc dù vậy, theo TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép trong nước đang phát triển chưa đồng bộ. Năm 2015, Việt Nam sản xuất được 15 triệu tấn thành phẩm. Cùng với đó 4 ngành hàng là thép cuộn nóng (HRC), thép cuộn nguội (CRC), ống thép, tôn mạ, ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, đã có sản lượng xuất khẩu khá tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nhập khẩu 9 triệu tấn HRC để phục vụ cho sản xuất.
Như vậy, ngành thép Việt Nam vẫn cần tiếp tục đầu tư đồng bộ, đặc biệt là đầu tư vào những nguyên liệu và bán thành phẩm hiện chưa sản xuất được để phục vụ cho các khâu sản xuất tiếp theo trong chuỗi giá trị.
Còn nhiều thách thức
Giá thép trong tương lai phụ thuộc nhiều vào GDP thế giới và giá dầu. Do đó, giá thép khó giảm sâu nhưng không có cơ sở tăng mạnh.
Theo phân tích của giới chuyên gia, trong quá trình tự do hóa thương mại, về nguyên tắc, các hàng rào thuế quan đều dần phải gỡ bỏ. Tuy nhiên, WTO cho phép các nhà sản xuất trong nước sử dụng các rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại khác.
Với ngành thép cũng vậy, các quốc gia khác đã và đang thực hiện rất tốt những biện pháp tự vệ này, ngay cả những nền kinh tế thép lớn như Mỹ và các nước EU. Do đó, việc xem xét, đánh giá lại việc kéo dài thời gian áp thuế tự vệ là cần thiết khi thời hạn bảo hộ hết hiệu lực vào năm 2020.
Theo TS. Nguyễn Văn Sưa, Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh ngành thép vẫn đang tạo ra nhiều khó khăn cho thép nội địa khi chi phí sản xuất của nước này ở mức thấp hơn so với các nước còn lại. Ngoài ra, chính sách hoàn thuế VAT cho xuất khẩu thép, đặc biệt là đối với thép “hợp kim” chứa B, Cr cũng là một trong những nguyên nhân khiến thép Trung Quốc chiếm lợi thế về giá. Thực chất là thép Trung Quốc đang bán phá giá, chấp nhận lỗ.
Bên cạnh đó, những trung tâm kinh tế của thế giới như EU, Trung Quốc chưa thể hồi phục về thời kỳ hoàng kim và vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo cam kết trong các FTA, thuế nhập khẩu thép sẽ được cắt giảm theo lộ trình. Điều này buộc các công ty trong ngành thép nếu muốn tồn tại và phát triển phải nâng cao sức cạnh tranh. Mức độ cạnh tranh trong ngành thép giời gian tới sẽ rất quyết liệt khi quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Anh, giá thép trong tương lai phụ thuộc nhiều vào GDP thế giới và giá dầu. Do đó, giá thép khó giảm sâu nhưng không có cơ sở tăng mạnh. Ngành thép là ngành có giá trị lớn, việc giá thép thay đổi 5 hay 10% cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh. Điều này buộc các doanh nghiệp phải xây dựng năng lực cạnh tranh cho riêng mình để có thể chống chịu và vượt lên những biến động của giá thép.