Thép Nam Kim dự kiến lợi nhuận 2021 tăng trưởng hơn 100%
Hội đồng quản trị CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) vừa phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu dự tính 16.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 600 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 38% và 103% so với thực hiện năm trước.
Nam Kim cũng thông qua kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 vào ngày 24/4 tại số 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ngày chốt danh sách cổ đông dự đại hội là 25/3.
Liên tiếp trong hai phiên 26/2 và 1/3, cổ phiếu NKG đều tăng kịch trần với khối lượng lớn, hiện đứng ở 18.850 đồng/cp.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, năm 2020, Nam Kim ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 11.600 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2019; lãi sau thuế 295 tỷ đồng, tăng đột biến 525%. Riêng quý IV, Nam Kim báo lãi 154 tỷ đồng, cao gấp 21 lần cùng kỳ năm trước.
Một phần nguyên nhân giải thích cho kết quả tích cực này là Nam Kim đã tích trữ được nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC) giá rẻ từ các quý II và III/2020 nên giá vốn không bị đội lên cao trong quý cuối năm.
Trong năm 2020, Nam Kim đã tiêu thụ 565.000 tấn tôn mạ, chiếm 14,37% thị phần, đứng sau Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) và Tôn Đông Á. Ở thị trường ống thép, Nam Kim bán ra 141.000 tấn, đứng thứ 6 với thị phần 5,42%.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán HSC cho biết các thị trường xuất khẩu của Nam Kim đã có sự thay đổi nhanh chóng trong tháng đầu năm 2021. Do tình trạng thiếu hụt tôn mạ sau dịch COVID-19, nhu cầu tại các quốc gia Châu Âu và Bắc Mỹ đối với tôn mạ nhập khẩu đã tăng đáng kể, giúp giá xuất khẩu cao hơn giá trên thị trường nội địa.
Ban lãnh đạo Nam Kim cho biết đơn hàng từ Châu Âu và các quốc gia Bắc Mỹ chiếm 90% sản lượng xuất khẩu trong quý đầu năm 2021, tăng mạnh so với mức 30-40% trong năm 2020.
Nam Kim đã ký hợp đồng kỳ hạn giao vào tháng 4 và tháng 5/2021 với giá rất tốt, Chứng khoán HSC cho hay. Bằng việc ký các hợp đồng kỳ hạn để xuất khẩu sản phẩm tôn mạ, Nam Kim có thể kiểm soát được tỷ suất lợi nhuận một cách thuận lợi vì giá bán đã được xác định một phần dựa trên giá nguyên liệu đầu vào tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng.
Về thị trường trong nước, HSC đánh giá nhu cầu có vẻ ổn định và giá bán cũng đi ngang từ đầu năm.
Những nhân tố ảnh hưởng chính đến nhu cầu trên thị trường nội địa đối với sản phẩm tôn mạ và ống thép là các dự án FDI; trong đó các sản phẩm này sẽ được sử dụng để xây dựng nhà máy… Việc dịch chuyển của các nhà máy ra khỏi Trung Quốc đến Việt Nam là một trong những động lực chính đối với nhu cầu thép dẹt trên thị trường trong nước.