Thêm hãng hàng không, giá vé máy bay vẫn khó giảm
Trên 43 triệu lượt khách đã sử dụng hàng không để di chuyển trong 5 tháng đầu năm 2018. Trong ảnh: hành khách chờ lên máy bay - Ảnh: Q.THẾ
Thị trường hàng không đang chuẩn bị có thêm một hãng bay mới. Theo các chuyên gia, nếu tăng được cạnh tranh, giá vé có thể sẽ mềm hơn với nhiều đợt khuyến mãi, giá vé những đợt cao điểm cũng bớt "nóng".
Hãng bay xếp hàng chờ bay
Chị Trần Thu Hương (Q. Phú Nhuận, TP.HCM), thường xuyên phải đi lại bằng máy bay, cho biết mặc dù hàng không VN đã phát triển nhanh nhưng giá vé vẫn chưa thực sự linh hoạt như nhiều nước.
Tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều khoảng thời gian được cho là cao điểm, như cao điểm tết, cao điểm hè, rồi cao điểm cuối tuần...
Đó là chưa kể giờ cao điểm. Vì vậy ở những khoảng thời gian đó, khách phải chịu giá vé "chát". Trong khi tại nhiều nước, chị Hương cho rằng cơ chế giá vé linh hoạt hơn, khuyến mãi lớn và thường xuyên hơn...
Thực tế, theo công bố của Cục Hàng không, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không VN tăng cao, trong khi hàng không nội địa đang có 4 hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific và VASCO đảm nhận.
Theo tìm hiểu, thực chất chỉ có 2 hãng có động lực cạnh tranh mạnh với nhau là Vietjet và Vietnam Airlines. Còn Jetstar Pacific và VASCO là công ty con hoặc có vốn của Vietnam Airlines.
Trong khi đó, nhiều hãng bay đã đăng ký nhưng vẫn trong trạng thái... chờ.
Như Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air có vốn điều lệ 100 tỉ đồng đã được Bộ Giao thông - Vận tải cấp phép kinh doanh khai thác hàng không chung (thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, cấp cứu...), nhưng bị thu hồi từ tháng 11-2016 do chưa hoạt động khai thác vận tải hàng không trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép...
Còn Vietstar Airlines có vốn điều lệ 800 tỉ đồng công bố kế hoạch bay từ đầu năm 2016 và nhiều lần nộp hồ sơ xin cấp phép bay nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận, một trong những nguyên nhân là sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã... quá tải.
Ngoài ra, Hãng hàng không giá rẻ Air Asia cũng cho biết đã bắt tay với Tập đoàn Thiên Minh để lập hãng hàng không giá rẻ tại thị trường Việt Nam nhưng chưa được cấp phép.
Thị trường hàng không gần đây đã có "sóng" hơn khi Công ty TNHH hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - công ty con của Tập đoàn FLC) chính thức công bố cất cánh vào cuối năm 2018.
"Cuộc chiến" đã có dấu hiệu bắt đầu khi hãng này công bố tuyển 92 phi công; 250 tiếp viên, nhân viên kỹ thuật...
Gần với thời điểm có thông tin trên, nhiều phi công Vietnam Airlines đã có thư gửi lên phó thủ tướng thể hiện bức xúc về mức lương và chế độ làm việc thấp hơn so với các hãng khác...
Giá vé đa dạng nhưng khó rẻ hơn?
Theo kế hoạch bay của Bamboo Airways, hãng này định vị trở thành hãng hàng không hybrid "lai" giữa hàng không truyền thống và giá rẻ. Giá vé của hãng này sẽ nhỉnh hơn Vietjet Air và thấp hơn Vietnam Airlines.
Hãng chỉ tập trung vào các tuyến bay quốc tế nối Đông Bắc Á với các điểm du lịch như Quy Nhơn, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang...
Ở thị trường nội địa, hãng này tập trung vào các đường bay từ Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc...
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Bamboo Airways cho biết dự kiến thời gian đầu hãng sẽ đưa ra hai hạng vé chính là thương gia và hạng phổ thông, sau đó có thể có ghế hạng nhất, phổ thông đặc biệt...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phi công kỳ cựu Nguyễn Thành Trung cho biết ông chưa dám chắc thêm một hãng hàng không nữa sẽ tốt hơn hiện nay nhưng chắc sẽ có cạnh tranh, người dân có thêm sự chọn lựa.
Về giá vé máy bay, theo ông Trung, sẽ có cạnh tranh nhưng không rẻ hơn như Vietjet và Jetstar đang áp dụng.
"Giá vé đương nhiên sẽ có một mức độ nào đó chứ không phải muốn giảm bao nhiêu là giảm. Nhưng khuyến mãi kèm theo cũng là giảm" - ông Trung nói.
Nên thêm nhiều hãng bay
Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng dư địa phát triển hàng không ở Việt Nam còn nhiều, nếu có thêm các hãng hàng không, thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn, người tiêu dùng được hưởng lợi. Tất nhiên, phải đảm bảo nghiêm ngặt điều kiện an toàn bay của các hãng.
Theo ông Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không - vũ trụ Việt Nam, việc có thêm các hãng bay mới có thể gây áp lực đến hạ tầng sân bay, đặc biệt là các sân bay đã quá tải như Tân Sơn Nhất. Nếu hạ tầng quá tải, các hãng sẽ bị hạn chế về số chuyến bay, khung giờ bay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN - cho rằng có thêm hãng bay chắc chắn phải có sự cạnh tranh nhiều hơn về loại hình dịch vụ, giá vé, chặng bay...
Ông Thanh cho rằng thêm hãng bay cũng phù hợp với định hướng, nhu cầu tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không.
Ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không - cho biết: Bamboo Airways vẫn đang trong quá trình chờ Bộ KH-ĐT thẩm định hồ sơ để trình Thủ tướng quyết định. Sau đó sẽ sang bước tiếp theo là xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Hàng không liên tục tăng phí
Hãng Jetstar Pacific, Vietjet Air đã áp dụng mức phí quản trị hệ thống, phí thay đổi chỗ, chặng bay... trong tháng 6-2018 tăng hơn 100.000 - 140.000 đồng so với trước đây.
Cũng trong tháng 6, Vietjet tăng phí quản trị hệ thống mới lên mức 210.000 - 370.000 đồng/vé tùy theo chặng bay quốc nội hoặc quốc tế, tăng 100.000 - 130.000 đồng/vé so với trước.
Trước đó tháng 4-2018, Vietnam Airlines bắt đầu áp dụng mức giá 90% vé người lớn cho trẻ em từ 2-12 tuổi, thay vì 75% như trước đây.
Vietjet cũng tăng phí đổi tên hành khách, phí thay đổi chặng bay, ngày bay...
Ngoài ra, phí sân bay tại cảng hàng không cũng được điều chỉnh tăng thêm 5.000 đồng từ ngày 1-4 đến 30-6 và tiếp tục tăng thêm sau ngày 1-7-2018.