|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thêm điều kiện thiết lập Internet vệ tinh tại Việt Nam

07:27 | 21/02/2024
Chia sẻ
Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh trong nước phải có trạm gateway đặt tại Việt Nam.

Thông tin được nêu trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông 2023, đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến.

Tại nội dung về cung cấp dịch vụ viễn thông, dự thảo đưa ra một số điều khoản đối với dịch vụ qua biên giới đến người dùng Việt. Theo đó, nhà cung cấp phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông trong nước đã được cấp giấy phép. Doanh nghiệp trong nước khi đó sẽ phải có phương án kỹ thuật để bảo đảm an ninh thông tin, thực hiện ngăn chặn khẩn cấp, ngừng cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

"Trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh, phải có phương án để tất cả lưu lượng do thiết bị đầu cuối thuê bao vệ tinh tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam đều phải đi qua Trạm cổng mặt đất (trạm Gateway) đặt trên lãnh thổ Việt Nam và kết nối với mạng viễn thông công cộng", nghị định nêu.

Đây là điểm mới so với nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông 2009. Ngoài ra, việc thiết lập mạng viễn thông cố định và di động vệ tinh cũng phải phải đáp ứng điều kiện về vốn và đầu tư như vốn điều lệ góp đủ tối thiểu 30 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư vào mạng lưới ít nhất 100 tỷ đồng trong ba năm đầu tiên để phát triển mạng viễn thông.

Trong quá trình xây dựng Luật Viễn thông mới, Bộ từng đánh giá dịch vụ vệ tinh với đặc tính vùng phủ sóng rất rộng lớn, có thể hoạt động, cung cấp dịch vụ mà không cần hiện diện cả về kỹ thuật và thương mại tại nước sở tại, tức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Trong bối cảnh công nghệ vệ tinh ngày một phát triển, chúng tiềm ẩn một số nguy cơ như dữ liệu của người dùng ở Việt Nam đi thẳng ra nước ngoài và có nguy cơ bị thu thập, sử dụng bất hợp pháp; nguy cơ mất dữ liệu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ; nguy cơ mất an toàn mạng lưới, an ninh thông tin.

Vì vậy, việc phát triển dịch vụ thông tin vệ tinh phải đảm bảo vừa phát triển thị trường bền vững, vừa bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Một số thiết bị thu Internet vệ tinh của Starlink trưng bày tại một sự kiện ở Hà Nội, tháng 10/2023. (Ảnh: Lưu Quý).

Tại Việt Nam, VNPT là đơn vị duy nhất sở hữu mạng thông tin vệ tinh. Hình thức kết nối này sử dụng các trạm vệ tinh cỡ nhỏ VSAT (Very Small Aperture Terminal) có đường kính ăng-ten từ 1,2 m đến 3 m và hệ thống thông tin vệ tinh băng rộng Vinasat để cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, phương thức này hiện có tốc độ thấp và chi phí cao.

Xu hướng hiện nay trên thế giới là truyền Internet vệ tinh bằng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO), như cách SpaceX đang làm với Starlink. Năm ngoái, một số thiết bị của hãng này đã được đưa về trình diễn thử nghiệm tại một sự kiện ở Hà Nội, với tốc độ đường truyền 150-200 Mbps. Giải pháp được đánh giá giúp phủ sóng Internet cho những khu vực xa xôi, khó tiếp cận bằng các đường cáp thông thường.

Dự thảo được lấy ý kiến đến đầu tháng 4. Luật Viễn thông mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.

Lưu Quý

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.