|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đua ngành hàng không vũ trụ và internet vệ tinh tại Đông Nam Á bắt đầu 'nóng lên'

07:18 | 11/05/2023
Chia sẻ
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Philippines đang nhắm đến việc tìm kiếm những cơ hội mới trên thị trường hàng không vũ trụ và internet vệ tinh, đồng thời đã có những bước tiến cụ thể để chinh phục những lĩnh vực này.

Một cuộc đua vũ trụ mới đang nóng lên ở Đông Nam Á, với việc cả Thái Lan và Việt Nam theo đuổi các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực vệ tinh liên lạc và du lịch vũ trụ, theo Asia Nikkei.

Cơ quan Phát triển Công nghệ Không gian và Địa tin học Thái Lan (GISTDA) có kế hoạch phóng một vệ tinh công nghiệp từ Ấn Độ vào tháng 8 mà cơ quan này cùng phát triển với Vương quốc Anh. Dự án đánh dấu lần đầu tiên Thái Lan đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển vệ tinh. Trong tương lai, quốc gia này đặt mục tiêu thiết kế và sản xuất vệ tinh trong nước, đồng thời có kế hoạch phóng hai hoặc ba vệ tinh tự sản xuất hoặc cùng phát triển trong vòng 5 năm tới.

Việc vận hành các vệ tinh được phát triển trong nước mang lại cho các quốc gia nhiều quyền tự do hơn trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu. Kế hoạch của Thái Lan được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp thông minh và công nghệ xe tự lái.

Nước này cũng đang xem xét xây dựng bãi phóng của riêng mình, bắt đầu thảo luận vào tháng 2 với Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc để chọn một địa điểm ở khu vực phía Đông Bắc hoặc phía Nam của đất nước. Theo giám đốc điều hành GISTDA Pakorn Apaphant, nếu các điều kiện về ngân sách và công nghệ được đáp ứng, một cơ sở có thể được xây dựng trong thời gian từ 7 đến 10 năm.

Chính phủ Thái Lan kỳ vọng thị trường liên quan đến không gian trong nước sẽ tăng lên 300 tỷ baht (khoảng 8,9 tỷ USD) vào năm 2032, một con số sẽ đưa lĩnh vực không gian trở thành một trong những ngành công nghiệp hàng đầu của đất nước.

Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có tham vọng trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Tập đoàn ThaiHoldings của Việt Nam có kế hoạch xây dựng sân bay vũ trụ với mục đích phát triển du lịch vào năm 2026 đã được hội đồng quản trị phê duyệt, với kế hoạch đầu tư 30.000 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD).

Một vệ tinh của SpaceX được đưa vào sử dụng. (Ảnh: Asia Nikkei).

Internet vệ tinh phát triển

Thái Lan và Việt Nam đều đang chú ý đến các cơ hội để giành lấy các khách hàng có ý định bay vào không gian từ Mỹ và Trung Quốc, những quốc gia thống trị thị trường hàng không vũ trụ. Các quốc gia Đông Nam Á sở hữu những lợi thế địa lý nhất định do vị trí của những quốc gia này gần đường xích đạo, giúp giảm năng lượng phóng tàu, và do đó giảm chi phí cần thiết cho một vụ phóng.

Các dịch vụ truyền thông vệ tinh cũng đang được mở rộng ở Đông Nam Á. Vào tháng 2, chính quyền Philippines đã công bố ra mắt dịch vụ internet Starlink từ SpaceX của Elon Musk, bước đột phá đầu tiên của công ty vào Đông Nam Á. Với 7.600 hòn đảo, quốc gia này là khách hàng chính của internet do vệ tinh cung cấp, một lựa chọn khả thi hơn nhiều so với việc đặt cáp dưới biển.

Gã khổng lồ viễn thông Philippine Globe Telecom đã thử nghiệm thành công việc gửi và nhận tin nhắn văn bản vào tháng 2 bằng cách sử dụng các vệ tinh có quỹ đạo thấp, cho phép liên lạc với tốc độ cao hơn và độ trễ thấp hơn so với các vệ tinh không đồng bộ địa lý. Công ty hy vọng sẽ cải thiện thông tin liên lạc ở các vùng núi xa xôi, đặc biệt là cho các mục đích cứu trợ thiên tai.

Thời tiết khắc nghiệt cũng là một yếu tố khiến ngành kinh doanh vệ tinh ngày càng được quan tâm. Đông Nam Á đã trực tiếp trải qua những tác động của biến đổi khí hậu như lũ lụt và hạn hán quy mô lớn thường xuyên. Các hệ thống giám sát thời tiết dựa trên vệ tinh có thể hỗ trợ giảm thiểu hậu quả của những thiên tai như vậy.

Hợp tác với các cường quốc - chiến lược quan trọng

Để các quốc gia Đông Nam Á phát triển lĩnh vực công nghiệp vũ trụ, việc hợp tác với các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, những quốc gia nắm giữ bí quyết cần thiết, có thể là một bước quan trọng. Những nỗ lực của Mỹ và Trung Quốc nhằm phát huy ảnh hưởng của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng bao gồm cả những nỗ lực trong lĩnh vực không gian.

Trung Quốc là nước đứng đầu Tổ chức Hợp tác Không gian châu Á - Thái Bình Dương (APSCO), với các quốc gia thành viên bao gồm Thái Lan và Pakistan. Vào tháng 4, nhóm đã xác nhận ý định hợp tác trong dự án Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế do Trung Quốc dẫn đầu, một kế hoạch xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học trên mặt trăng.

Thái Lan cũng đang xem xét việc sử dụng công nghệ vũ trụ cho mục đích quốc phòng. "Các quốc gia có thể cạnh tranh để đề nghị hợp tác khi họ tìm cách mở rộng ảnh hưởng", một chuyên gia quân sự nhận định.

Anh Nguyễn