|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thêm công ty chứng khoán về tay người Hàn: Bán mình sau nỗ lực tăng vốn bất thành

16:15 | 17/09/2020
Chia sẻ
Theo thông tin, công ty quản lí quĩ từ Hàn Quốc - Asam Asset Management đã nhận chuyển nhượng hơn 65% vốn điều lệ của Chứng khoán SJC, nâng tỉ lệ sở hữu lên hơn 80%. Chứng khoán SJC có vốn điều lệ 53 tỉ đồng, từng có tham vọng tăng vốn lên 800 tỉ đồng nhưng bất thành.

Thêm công ty chứng khoán Việt Nam bị NĐT Hàn Quốc thâu tóm

Theo nguồn tin của chúng tôi, mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần chiếm từ 10% trở lên vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Chứng khoán SJC (SJCS).

Trong thương vụ, phía chuyển nhượng là 11 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Số lượng cổ phần chuyển nhượng là 3,445 triệu cổ phiếu, tương đương 65,01% vốn điều lệ của Chứng khoán SJC. 

Bên nhận chuyển nhượng là tổ chức đến từ Hàn Quốc là Asam Asset Management Co. Ltd. Giá trị thương vụ chuyển nhượng không được tiết lộ.

Với việc nắm giữ 15% vốn điều lệ của Chứng khoán SJC trước đó, sau thương vụ chuyển nhượng, Asam Asset Management sở hữu hơn 80% vốn điều lệ của Chứng khoán SJC.

Nguồn tin này cũng cho biết rằng sau khi thương vụ thâu tóm hoàn tất, nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ cho công ty. 

Thông tin về đơn vị đứng ra thâu tóm, Asam Asset Management được thành lập vào năm 1996 với tên gọi là JangSaeng Consulting. Năm 2016, tổ chức được đổi tên thành Asam Asset Management. Tại Việt Nam, Asam Vietnam được thành lập vào tháng 4/2018 với hoạt động chính là nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực tài chính.

Về qui mô vốn, theo thông tin giới thiệu trên website, Asam Asset Management có vốn điều lệ là 10,2 tỉ won (khoảng 2,56 triệu USD). Tài sản thuộc quyền quản lí (AuM) của công ty quản lí quĩ đến từ Hàn Quốc này là khoảng 265 triệu USD. 

Thêm công ty chứng khoán về tay người Hàn: Bán mình sau nỗ lực tăng vốn bất thành - Ảnh 1.

Chứng khoán SJC. Ảnh: SJC

Về phần Chứng khoán SJC, công ty này được thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ là 53 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Chứng khoán SJC là 36,9 tỉ đồng. Mức lỗ lũy kế ghi nhận thời điểm đó gần 17,8 tỉ đồng. 

Ghi nhận trong BCTC quí IV, tài sản nắm giữ chủ yếu của công ty là tiền và khoản tương đương tiền. Tổng tài sản tài chính của công ty tính đến cuối năm ngoái là 23,8 tỉ đồng, trong đó tiền mặt gần 4 tỉ đồng, các khoản tương đương tiền là 17 tỉ đồng.

Hoạt động kinh doanh của Chứng khoán SJC không mấy khởi sắc trong hai năm trở lại đây. Cụ thể, lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty trong năm 2018 là hơn 4,8 tỉ đồng. Năm 2019, mức lỗ giảm xuống còn gần 2,1 tỉ đồng. 

Tháng 4/2017,  Chứng khoán SJC từng thông qua nghị quyết ĐHĐCĐ về việc tăng vốn điều lệ lên 800 tỉ đồng. Hoạt động tăng vốn chia làm hai đợt. Đợt thứ nhất là tăng vốn từ 53 tỉ đồng lên 300 tỉ đồng thông qua chào bán riêng lể cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ tăng lên 800 tỉ đồng trong đợt thứ hai thông. Tuy nhiên, hoạt động tăng vốn của Chứng khoán SJC bất thành.

Thay loạt lãnh đạo cấp cao sau thâu tóm

Thông tin thêm, ngay sau thương vụ thâu tóm, Chứng khoán SJC đã có thay đổi về bộ máy nhân sự cấp cao. Cụ thể, HĐQT công ty đã miễn nhiệm Tổng Giám đốc - ông Vũ Cao Trung và bổ nhiệm bà Nguyễn Diễm Ly thay thế vị trí trên.

Về HĐQT, công ty miễn nhiệm chức danh Chủ tịch với ông Nguyễn Văn Liêm và bổ nhiệm chức danh này với ông Kim Kwan Kyoon. Ông Kim Kwan Kyoon sinh năm 1961. 

Đồng thời, bà Hồ Sĩ Tường Trinh bị miễn nhiệm thành viên HĐQT của Chứng khoán SJC. Bà Trịnh Ngọc Hoa (sinh năm 1986) được bổ nhiệm vào vị trí này. 

Trong Ban kiểm soát, bà Hàn Hồng Hạnh (trưởng ban), ông Trần Quốc Hùng, ông Lê Phan bị miễn nhiệm. Ông Trần Văn An (sinh năm 1984) được bổ nhiệm làm Trưởng ban Kiểm soát của công ty. Hai thành viên ban kiểm soát mới là ông Bùi Duy Khánh (sinh năm 1996) và bà Nguyễn Ngân Giang (sinh năm 1996).

Đã có 8 công ty chứng khoán về tay NĐT Hàn Quốc

Trở lại thương vụ chuyển nhượng cổ phần Chứng khoán SJC, sự kiện này đánh dấu chuỗi thâu tóm công ty chứng khoán Việt Nam của các đại gia Hàn Quốc được nối dài thêm. 

Gần đây nhất, vào cuối tháng 8, Chứng khoán Morgan Stanley Gateway bán cổ phần cho nhà đầu tư Hàn Quốc, sau đó đổi tên thành Chứng khoán JB Việt Nam.

Xu hướng các nhà đầu tư tổ chức Hàn Quốc thâu tóm công ty chứng khoán Việt Nam trở nên mạnh mẽ trong 10 năm trở lại đây. Cho đến thời điểm hiện tại, NĐT Hàn Quốc đã thâu tóm cổ phần của 8 công ty chứng khoán trong nước.

Thêm công ty chứng khoán về tay người Hàn: Bán mình sau nỗ lực tăng vốn bất thành - Ảnh 1.

Hàng loạt đại gia chứng khoán Hàn Quốc "đổ bộ" vào Việt Nam. Đồ họa: Alex Chu

Mở màn cho chuỗi thâu tóm là việc Korea Investment & Securities (KIS) đã mua lại cổ phần của Chứng khoán Gia Quyền (EPS) sau đó đổi tên thành Chứng khoán KIS Việt Nam vào tháng 12/2010.

Điểm lại các thương vụ sau đó, Shinhan Investment Corportion mua lại Chứng khoán Nam An và đổi tên thành Chứng khoán Shinhan Việt Nam (NASC) vào tháng 2/2016. Tháng 11/2017, NĐT Hàn Quốc thâu tóm cổ phần Chứng khoán Woori CBV, sau đó đổi tên thành Chứng khoán NH Việt Nam.

Cũng trong năm 2017, KB Securities hoàn thành thương vụ mua lại 99,4% vốn của Chứng khoán Maritime (MSI), sau đó đổi tên thành Chứng khoán KB Việt Nam.

Tháng 5/2019, Chứng khoán và Đầu tư Hanwha (Hàn Quốc) hoàn tất thương vụ mua 90,05% cổ phần tại CTCP Chứng khoán HFT. Sau đó, công ty được đổi tên thành Chứng khoán Pinetree.

Sau loạt thương vụ thâu tóm, đến cuối năm 2019, cả 4 CTCK lớn nhất tại Hàn Quốc đều đã hiện diện trên thị trường chứng khoán Việt Nam gồm Mirae Asset, NH Securities and Investment, KB Securities và Korea Investment and Securities.

Đặc điểm chung sau các thương vụ thâu tóm đó là các đại gia từ Hàn Quốc sẽ đổi tên công ty chứng khoán ngay sau đó và tiến hành tăng vốn điều lệ. Trái ngược với tình trạng khó khăn trong việc tăng vốn của các CTCK nội, việc tăng vốn điều lệ thêm hàng nghìn tỉ đồng được các CTCK Hàn Quốc tiến hành một cách dễ dàng.

Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, các "ông lớn" Hàn Quốc đẩy mạnh hoạt động cho vay kí quĩ tại Việt Nam. Tính đến ngày 30/6, Mirae Asset Việt Nam là công ty chứng khoán dẫn đầu về giá giá trị cho vay margin tại Việt Nam.

Lợi Hoàng