|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thế giới phản ứng thế nào sau khi Nga tiến quân vào Ukraine?

16:08 | 24/02/2022
Chia sẻ
Binh sĩ và xe tăng Nga tràn vào Ukraine, không kích thủ đô Kiev và hơn chục thành phố khác sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tấn công để "xóa bỏ chủ nghĩa quân sự và chủ nghĩa phát xít ở Ukraine". Cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng kịch liệt lên án Nga.
Thế giới phản ứng thế nào sau khi Nga tiến quân vào Ukraine? - Ảnh 1.

Khói từ một sân bay quân sự ở Chuguyev gần Kharkiv, Ukraine, hôm 24/2. (Ảnh: New York Times).

Theo Wall Street Journal, các quan chức Ukraine cho biết một làn sóng không kích đầu tiên của Nga nhắm vào các cơ sở quân sự, sân bay và tòa nhà chính phủ trên khắp đất nước, cũng như cơ sở của lực lượng biên phòng.

Kiev chưa cung cấp bất kỳ ước tính thương vong chính thức nào. Nhưng một quan chức cấp cao Ukraine tin rằng hàng trăm lính Ukraine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích và tấn công tên lửa của Nga bắt đầu lúc 5h sáng ngày 24/2 theo giờ địa phương.

Cực lực lên án 

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi động thái của ông Putin là cuộc tấn công vô căn cớ, phi lý vào Ukraine, cam kết có thêm hành động chống lại Nga. Ông nói trong một tuyên bố: "Tổng thống Putin đã chọn một cuộc chiến sẽ mang lại thiệt hại thảm khốc về người và của".

Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu ra tuyên bố chung lên án hành động quân sự của Nga ở Ukraine "bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất".

Tuyên bố viết: "Nga đang vi phạm luật pháp quốc tế một cách thô bạo, phá hoại an ninh, ổn định của châu Âu và toàn thế giới. Chúng tôi kêu gọi Nga ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch, rút quân đội khỏi Ukraine và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine. Việc sử dụng vũ lực và cưỡng ép như vậy không có chỗ đứng trong thế kỷ 21".

Trước khi chiến tranh nổ ra, phương Tây đã tung ra loạt đòn trừng phạt đầu tiên vào Nga và hiện đang cân chuẩn bị những biện pháp mới.

Tổng thống Biden cam kết Mỹ và các đồng minh sẽ gây ra "các hậu quả nặng nề khác" nhắm vào Nga vì "cuộc tấn công không cần thiết chống lại Ukraine".

CNN đưa tin giới lãnh đạo phương Tây đang bàn bạc các phương án đối phó với Moscow. Tuyên bố cho biết Hội đồng châu Âu sẽ họp vào ngày 24/2 để thảo luận khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt tiềm năng nhắm vào Nga.

"Chúng tôi xót xa trước những thiệt hại về nhân mạng và nhân đạo. EU và các nước thành viên sẵn sàng khẩn trương ứng phó khẩn cấp nhân đạo. Chúng tôi kêu gọi Nga và các lực lượng vũ trang do Nga hậu thuẫn tôn trọng luật nhân đạo quốc tế".

"EU sẽ đứng vững cùng đất nước và người dân trong cuộc khủng hoảng vô song này. EU sẽ hỗ trợ thêm về chính trị, tài chính và nhân đạo. Chúng tôi sẽ phối hợp phản ứng với các đối tác quốc tế, bao gồm NATO và G7, lãnh đạo các tổ chức này sẽ họp vào ngày hôm nay".

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng ông "kinh hoàng trước những sự kiện đang diễn ra ở Ukraine". Ông khẳng định "phương Tây sẽ không đứng yên khi Tổng thống Putin phát động chiến tranh chống lại người dân Ukraine".

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nói rằng hành động này "làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế". Ông Kishida nói với các phóng viên: "Chúng tôi chỉ trích mạnh mẽ hành động của Nga và sẽ hợp tác với Mỹ cùng cộng đồng quốc tế để phản ứng nhanh chóng". 

Ông cho biết sẽ cân nhắc các biện pháp trừng phạt sau khi liên lạc với những thành viên G7 khác và quốc tế.

Thế giới phản ứng thế nào sau khi Nga tiến quân vào Ukraine? - Ảnh 3.

Một vụ nổ lớn ở thủ đô Kiev, rạng sáng 24/2. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine, CNN).

Ông Putin biện minh rằng hành động quân sự của ông là nhằm đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ từ hai khu vực ly khai thân Nga ở đông Ukraine là Donetsk và Luhansk.

Tuy ông Putin nói rằng Nga không dự định chiếm đóng Ukraine, ông vẫn kêu gọi binh sĩ Ukraine buông bỏ vũ khí và về nhà.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng, các nhà ngoại giao đồng ý bỏ phiếu về một nghị quyết chống lại Nga vào ngày 24/2. Nhưng ít có khả năng Nga phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào tại Hội đồng Bảo an vì nước này giữ quyền phủ quyết do là thành viên thường trực. Ngoài ra, Moscow còn giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an vào tháng 2.

Thế giới phản ứng thế nào sau khi Nga tiến quân vào Ukraine? - Ảnh 3.

Một quân nhân Ukraine mang đồ tiếp tế lên tiền tuyến gần Zaitseve, miền đông Ukraine. (Ảnh: WSJ).

Liệu có nước nào ủng hộ Nga đánh Ukraine?

Lưc lượng biên phòng Ukraine cho biết họ bị tấn công dọc theo biên giới của nước này với Nga và Belarus. Báo nhà nước Belta đưa tin rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ tổ chức cuộc họp với quân đội. 

Nga và Belarus có mối quan hệ quân sự chặt chẽ và quân đội Nga gần đây đã được triển khai tới Belarus để tham gia các cuộc tập trận lớn. CNN cũng đã chứng kiến xe quân sự tiến vào Ukraine từ cửa khẩu biên giới với Belarus.

Bắc Kinh hiện chưa đưa ra nhận xét nào về cuộc xâm lược của Nga. Đại sứ Trung Quốc ở Ukraine khuyên công dân ở trong nhà và đặt cờ Trung Quốc lên xe cộ để đảm bảo an toàn.

"Tình huống ở Ukraine đã xấu đi rõ rệt. Đã xảy ra các vụ đánh bom ở nhiều thành phố và các hoạt động quân sự đang được thực thi". Đại sứ quán khuyến nghị người dân ở nhà và tránh xa cửa sổ hoặc kính, cảnh báo "bạo loạn nghiêm trọng" có thể xảy ra trên đường phố.

Đại sứ quán cũng kêu gọi công dân "giúp đỡ lẫn nhau để phản ánh hình ảnh của người dân Trung Quốc và sức mạnh của Trung Quốc".

Trung Quốc bị đặt vào tình thế khó xử trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Trung Quốc và Nga đã thể hiện sự gắn kết trước phương Tây với cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin chỉ vài tuần trước đó. Nhưng Bắc Kinh lo rằng việc ủng hộ Nga có thể gây hại tới tuyên bố chủ quyền của nước này với Đài Loan.

Hôm 23/2, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên "giữ cái đầu lạnh và tỉnh táo", nói rằng vẫn còn chỗ cho "giải pháp hòa bình".

Giang