|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chiến lược 'xâm chiếm' thế giới, doanh nghiệp Trung Quốc nối đuôi nhau rót tiền quảng cáo tại EURO 2020

08:30 | 26/06/2021
Chia sẻ
Năm 2016, hãng thiết bị gia dụng Hisense trở thành doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên tài trợ cho giải UEFA EURO. Màn ra mắt của Hisense cách đây 5 năm đã truyền cảm hứng cho ít nhất ba công ty Trung Quốc khác ký hợp đồng tài trợ cho EURO 2020.

Các chuyên gia nhận định, giới doanh nghiệp Trung Quốc đang chi tiền tài trợ EURO để tiếp cận thị trường nước ngoài, đồng thời xây dựng uy tín toàn cầu để thu hút người tiêu dùng tại quê nhà.

Chia sẻ với CNBC, Giám đốc Pierre Justo của hãng tư vấn Kantar cho hay: "Các thương hiệu Trung Quốc không chỉ dùng bóng đá để quảng bá trong nước, mà còn để mở ra thị trường mới, đặc biệt là tại châu Âu".

Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các doanh nghiệp nội địa tiến ra thị trường thế giới, và nhiều công ty cũng háo hức quảng bá thương hiệu bằng cách bán hàng ra nước ngoài.

Kẻ tiên phong

Đi tiên phong chính là công ty sản xuất thiết bị gia dụng Hisense. Năm 2016, Hisense chính thức trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên trở thành nhà tài trợ cho UEFA EURO. Để thu hút sự chú ý của hàng triệu người hâm mộ môn thể thao vua, hãng đã chạy một quảng cáo với khẩu hiệu: "Mua TV, chọn U7".

Hisense - trụ sở tại Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông), đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu tại thị trường ngoại nước ngoài sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu chung, tương đương khoảng 23,5 tỷ USD. Mục tiêu này gấp ba lần con số 7,93 tỷ USD mà Hisense kiếm được ở nước ngoài trong năm ngoái.

Tham vọng tiến ra thế giới, doanh nghiệp Trung Quốc nối đuôi nhau tài trợ cho EURO 2020 - Ảnh 1.

Người hâm mộ tề tựu về một quán rượu ở Thượng Hải để theo dõi trận xứ Wales đối đầu Thụy Sĩ hôm 12/6. (Ảnh: Getty Images).

Nhà sản xuất tivi và thiết bị gia dụng này tuyên bố rằng trong 5 tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng tại châu Âu của hãng đã tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước, nhờ nhu cầu tủ lạnh tại Pháp nhảy vọt.

Hisense bắt đầu thâm nhập thị trường châu Âu hơn 10 năm trước và hiện có hơn 8.000 nhân viên tại lục địa già, với văn phòng rải rác tại Đức, Tây Ban Nha và 20 nước khác. Công ty đã tài trợ cho FIFA World Cup năm 2018 và có thỏa thuận tài trợ tiếp cho giải đấu năm 2022.

Bước chân của những người đến sau

Một nhà tài trợ Trung Quốc khác của EURO 2020 - công ty điện sản xuất thoại thông minh Vivo, cho biết hãng chính thức có mặt tại 6 quốc gia châu Âu vào tháng 10 năm ngoái và sở hữu hơn 400 triệu người dùng tại hơn 50 quốc gia.

Ban tổ chức EURO 2020 không tiết lộ danh sách đầy đủ các nhà tài trợ, song một số cái tên mà UEFA liệt kê trên trang web có thể kể đến tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, nhà sản xuất xe ô tô Đức Volkswagen và công ty chuyển phát nhanh FedEx của Mỹ.

Ứng dụng thanh toán Alipay của Alibaba và ứng dụng giải trí TikTok thuộc sở hữu của ByteDance nằm trong số các công ty Trung Quốc khác trả tiền để chạy bảng tên dọc sân vận động vào tháng 6 và tháng 7 năm nay.

Sau khi bị hoãn gần một năm do đại dịch COVID-19 bùng phát, EURO 2020 đã chính thức khai mạc từ ngày 11/6 vừa qua. Trong giải đấu năm 2016, khoảng 2 tỷ người đã theo dõi các trận đấu bóng trực tiếp qua truyền hình, người hâm mộ từ Trung Quốc và Brazil là một động lực quan trọng cho thành tích này, AP dẫn báo cáo của UEFA cho hay.

Năm 2018, Alipay đã ký kết hợp đồng tài trợ kéo dài 8 năm với UEFA, trong đó bao gồm hai giải đấu EURO 2020 và EURO 2024. Thỏa thuận này trị giá khoảng 200 triệu euro (tương đương 238,5 triệu USD), nguồn tin của Financial Times cho hay.

Không tài trợ cho EURO 2020, nhưng một công ty Trung Quốc khác cũng đang hái bộn tiền từ giải đấu. iQiYi - nền tảng phát trực tuyến của Baidu, đã mua lại quyền phát trực tiếp EURO 2020.

Thỏa thuận trên giúp iQiYi thu hút lượng truy cập lớn, cũng như cơ hội hợp tác kinh doanh với Volvo, Heineken, Volkswagen và Meituan, CEO Lingxiao Yu của iQiYi Sports cho hay.

Rủi ro khi bắt tay doanh nghiệp Trung Quốc

Trung Quốc vẫn là một thị trường sinh lời lớn và còn tiềm năng phát triển cho các môn thể thao quốc tế. Tuy nhiên, làm việc với các công ty đến từ đất nước tỷ dân cũng tiềm ẩn những rủi ro riêng, CNBC lưu ý.

Sau nhiều năm vun đắp, hoạt động kinh doanh của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) tại thị trường Trung Quốc đạt giá trị khoảng 4 tỷ USD vào năm 2018, Phó Giám đốc Mark Tatum từng chia sẻ với Forbes.

Tuy nhiên, vào năm 2019, giải bóng rổ nhà nghề Mỹ bỗng hứng "tai bay vạ gió" vì một dòng tweet liên quan đến phong trào biểu tình tại Hong Kong.

Ông Daryl Morey, quản lý cấp cao của đội Houston Rockets, đã đăng tải lên Twitter một câu khẩu hiệu ủng hộ người biểu tình Hong Kong. Dòng tweet này ngay lập tức khiến người Trung Quốc tức giận, quay lưng với một trong các đội bóng rổ Mỹ được ưa thích nhất tại đất nước tỷ dân.

Theo Bloomberg, hãng sản xuất đồ thể thao Li Ning và trung tâm phát hành thẻ tín dụng của ngân hàng Shanghai Pudong Development Bank đã tuyên bố ngừng hợp tác với Houston Rockets. Đài quốc gia CCTV và ông lớn truyền thông Tencent thông báo ngừng phát sóng các trận đấu khác của đội bóng này.

Thậm chí, các sản phẩm liên quan đến Houston Rockets trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc như JD.com và Alibaba đều biến mất. Theo ước tính của CNBC, thiệt hại mà NBA phải gánh sau sự cố này là khoảng 400 triệu USD.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.