|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thấy gì từ sự phân hoá trong nhóm Big4 ngân hàng?

13:09 | 13/05/2019
Chia sẻ
Bộ tứ trụ của ngành ngân hàng (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV), giữ nhiệm vụ cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế, đang dần phân hoá theo thời gian. Có ngân hàng tạo dấu ấn vượt trội, cũng có ngân hàng đang chững lại trong hoạt động.

Nói đến "Big4" trong hệ thống ngân hàng Việt là người ta nghĩ ngay tới nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Từ nhiều năm trước đây, bộ tứ mã này là những trụ cột chính chống đỡ nên hệ thống ngân hàng, là nơi cung ứng vốn lớn nhất cho toàn bộ nền kinh tế. Từ xuất phát điểm là những ngân hàng trọng điểm cung cấp vốn cho những mảng hoạt động riêng của nền kinh tế, hiện nay trong bộ tứ này lại có sự phân hoá rõ rệt. 

Vietcombank bứt phá, VietinBank chững lại

Vietcombank được nhắc đến như một điểm sáng của ngành ngân hàng nói chung và nhóm 4 "ông lớn" với sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận, xử lí nợ xấu. Trong hai năm trở lại đây, Vietcombank vươn lên là nhà băng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống. 

Riêng 2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt gần 18.300 tỉ đồng, tăng hơn 61% so với năm trước và vượt xa ba ngân hàng còn lại trong nhóm Big4. Lợi nhuận của Vietcombank gần gấp đôi con số của BIDV và gần gấp ba VietinBank.

Thấy gì từ sự phân hoá trong nhóm Big4 ngân hàng? - Ảnh 1.

Lợi nhuận trước thuế nhóm Big4 Ngân hàng qua các năm. (Nguồn: DB tổng hợp)

Thấy gì từ sự phân hoá trong nhóm Big4 ngân hàng? - Ảnh 2.

Lợi nhuận trước thuế nhóm Big4 trong 5 năm trở lại đây. (Nguồn: DB tổng hợp)

Agribank là ngân hàng kín tiếng nhất trong nhóm Big4 do chưa thực hiện cổ phần hoá. Theo tìm hiểu của người viết, lợi nhuận Agribank thường thấp nhất trong nhóm và điều này chỉ thay đổi khi trong năm 2018, lợi nhuận của VietinBank giảm mạnh 25% so với năm trước với chỉ hơn 6.700 tỉ đồng.

Mới đây, Vietcombank công bố kế hoạch kinh doanh 2019 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 20.000 tỉ đồng, đây là con số cao kỉ lục trong lịch sử các ngân hàng Việt từ trước tới nay, tiếp tục kéo xa khoảng cách giữa Vietcombank và ba ông lớn còn lại.

BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn với 10.300 tỉ đồng, tăng 8,7% so với năm trước trong khi Agribank và VietinBank lại đặt tăng trưởng lần lượt 33% và 41% với mức 10.000 tỉ đồng và 9.500 tỉ đồng. Như vậy, VietinBank đang là ngân hàng có mục tiêu kế hoạch lợi nhuận thấp nhất trong nhóm.

Big4 và con số nợ xấu

Cùng với lợi nhuận cao, Vietcombank cũng khá tích vực xử lý nợ xấu, đây là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC đồng thời giữ tỉ lệ nợ xấu nội bảng ở mức thấp.

Trong nhóm Big4, tỉ lệ nợ xấu đều có xu hướng giảm qua các năm. Tính đến cuối 2018, tỉ lệ nợ xấu của BIDV là cao nhất với 1,9% tuy nhiên Agribank là ngân hàng có nhiều nợ xấu VAMC nhất. Con số nợ xấu VAMC của Agribank chưa được công bố cụ thể nhưng cuối năm 2017 là trên 40.000 tỉ đồng trái phiếu VAMC, cao nhất trong hệ thống.

Thấy gì từ sự phân hoá trong nhóm Big4 ngân hàng? - Ảnh 3.

Tổng hợp con số nợ xấu các ngân hàng qua các năm. (Nguồn: DB tổng hợp)

Số dư nợ xấu tại VAMC của Agribank lớn thể hiện hàm ý rằng việc xử lí, thu hồi nợ xấu tại ngân hàng còn nhiều khó khăn. Điều này cũng một phần do yếu tố đặc thù về hoạt động, Agribank tập trung cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, 70% dư nợ tín dụng của ngân hàng phục vụ cho chương trình "Tam nông". Cũng vì đặc thù này, các khoản tín dụng của Agribank không quá lớn nhưng cũng có những rủi ro nhất định, nợ xấu thường khó thu hồi.

Tuy nhiên, vào đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao nhiệm vụ cho Agribank phải sạch nợ tại VAMC trong năm nay. Cho biết về khả năng mua lại nợ tại VAMC, Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết cuối năm 2018, trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng đạt 25.590 tỉ đồng. 

Ông Thành nhận định: "Với tổng nguồn dự phòng xử lí rủi ro gần 20.000 tỉ đồng, Agribank có đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC, xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019".

Cùng với Agribank, BIDV cũng đặt mục tiêu sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu VAMC trong năm nay. 

Riêng VietinBank không công bố kế hoạch thanh lí toàn bộ nợ xấu VAMC. Tuy nhiên, vào tháng 6/2018, ngân hàng cũng đã từng đưa số dư trái phiếu VAMC về 0 và chỉ mua lại trong quí IV sau đó với nguyên nhân tái cơ cấu danh mục tài sản để hướng tới chuẩn Basel II. 

Nợ xấu cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận VietinBank năm 2018 giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu xử lí triệt để được nó, đó sẽ là động lực để VietinBank tăng trưởng trong những năm tới.

Chướng ngại tăng vốn 

Việc áp dụng chuẩn Basel II cùng với tăng trưởng tín dụng khiến nhóm Big4 ngân hàng cùng đứng trước áp lực tăng vốn mạnh mẽ. Cả 4 ngân hàng cũng đều đã "kêu cứu" trong việc tăng vốn.

Trong một phát biểu gần đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết nhiều năm qua các NHTM Nhà nước có tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh từ 14 - 15% nhưng vốn điều lệ lại không được bổ sung. 

Theo thống kê, vốn điều lệ của các ngân hàng 4 năm trở lại đây, cả VietinBank và BIDV đều không thay đổi, Vietcombank có được 1 lần tăng vốn. Riêng Agribank hầu như mỗi năm đều tăng vốn nhưng mức tăng khá khiêm tốn, dự kiến là từ quĩ dự trữ tăng vốn được trích hàng năm.

Thấy gì từ sự phân hoá trong nhóm Big4 ngân hàng? - Ảnh 4.

Vốn điều lệ của các ngân hàng qua qua các năm. (Nguồn: DB tổng hợp).

Năm 2019, Vietcombank đặt kế hoạch tăng vốn "khủng" từ 35.978 tỉ lên 51.924 tỉ đồng, tăng 44% so với hiện tại. Đây có thể nói là một kế hoạch khá táo bạo với phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận giữ lại với tỉ lệ 40% (cổ tức bằng cổ phiếu).

Có thể con số kế hoạch của VietinBank không bất ngờ như tại Vietcombank, nhưng việc tăng vốn của ngân hàng khá cấp bách và cần thiết. Trong năm nay, BIDV dự kiến hoàn tất thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank để tăng vốn lên 40.220 tỉ đồng.

Điều gì tạo nên sự bứt phá của Vietcombank?

Sự phân hoá giữa các ngân hàng trong nhóm Big4 ngày càng rõ nét, nguyên nhân của quá trình này đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan. Về chủ quan là những vấn đề như nguồn lực con người, đặc thù hoạt động kinh doanh (ngành nghề tập trung) và yếu tố quản trị.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, có hai nguyên nhân dẫn đến sự phân hoá về kết quả hoạt động của nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước trong thời gian gần đây gồm (1) tác động từ yếu tố nợ xấu và (2) điều kiện tăng vốn.

Mặc dù các ngân hàng đều hướng đến sự phát triển đa dạng theo ngành nghề nhưng những ngân hàng thương mại trong nhóm Big4 lại có khác biệt về cơ cấu hoạt động cho vay, sự tập trung ở một số lĩnh vực. Cụ thể, Agribank tập trung cho vay nông nghiệp, BIDV cho vay phát triển cơ sở hạ tầng, Vietcombank tập trung ở các doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Từ yếu tố đặc thù trên dẫn đến cơ cấu tài sản, cho vay của từng ngân hàng là khác biệt và dẫn đến tỉ lệ nợ xấu cũng khác biệt.

Mặt khác, Vietcombank là ngân hàng có ưu thế về điều kiện để tăng vốn, họ đã tìm được cổ đông chiến lược và không bị ràng buộc bởi các tỉ lệ sở hữu và tỉ lệ vốn cấp 2 như tại BIDV hay VietinBank.

Bên cạnh đó, Vietcombank còn có được một lợi thế khách quan mà ba ngân hàng còn lại không có được là nguồn vốn ngoại tệ lớn với chi phí thấp. Vietcombank là đầu mối chính trong thanh toán nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam nên số dư ngoại tệ gửi tại đây thường lớn hơn nhiều so với các ngân hàng khác. Đây là nguồn vốn có chi phí thấp hơn rất nhiều so với chi phí huy động vốn từ những nguồn khác như tiền gửi và vay từ nước ngoài.

Diệp Bình