|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thâu tóm đất vàng của hợp tác xã với giá rẻ

07:40 | 27/08/2018
Chia sẻ
Dưới hình thức hợp tác để xây dựng các cao ốc, đem lại công ăn việc làm, thu nhập cho các xã viên, nhiều khu đất vàng của các hợp tác xã (HTX) đang bị doanh nghiệp thâu tóm dễ dàng với giá rẻ…
thau tom dat vang cua hop tac xa voi gia re
Khu đất Ao Cây Dừa (HTX Dịch vụ Hạ Ðình quản lý) đang bắt đầu triển khai xây dựng.

Ðất hàng trăm triệu bán xấp xỉ 10 triệu đồng/m2

HTX Thương mại dịch vụ Láng Trung (Đống Đa, Hà Nội) đang quản lý 20.753 m2 đất nằm ở nhiều vị trí trên địa bàn phường Láng Thượng. Trong đó, lô đất số 4A rộng 3.153 m2 ở mặt phố Chùa Láng được đem ra liên doanh với Cty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội (Hateco) xây dựng dự án Hateco Plaza.

Việc liên danh bắt đầu từ tháng 10/2006 khi bà Nguyễn Thị Lược, nguyên Chủ nhiệm HTX ký thỏa thuận liên doanh với Ngân hàng TMCP Toàn Cầu để xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ theo tỷ lệ 35% giá trị sử dụng đất, 65% góp vốn bằng tiền mặt. Theo đó, HTX được chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn, được ưu tiên tuyển dụng lao động là con, em của xã viên. Ngày 19/2/2009, các bên thống nhất việc cho Hateco thay thế Ngân hàng TMCP Toàn Cầu tham gia dự án.

Cục diện thay đổi vào ngày 26/10/2010 khi bà Nguyễn Thị Lập - Chủ nhiệm HTX nhiệm kỳ mới ký phụ lục hợp đồng. Trong đó, thống nhất chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp bằng giá trị sử dụng đất nói trên với đơn giá là 8,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm chi phí GPMB, hỗ trợ HTX và chi phí phát sinh) với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng.

Đến nay, khi tòa cao ốc đang được chủ đầu tư thi công gần xong, rao bán, các xã viên mới giật mình khiếu kiện. Ông Nguyễn Văn Sâm, người đại diện ủy quyền cho bà Đỗ Thị Liên - Xã viên HTX Láng Trung cho hay: Nếu có điều khoản bán đứt thì giá bán không thể rẻ như hợp đồng. Theo ông Sâm, giá đất áp dụng theo khung giá của Nhà nước quy định mặt đường Chùa Láng (nơi có dự án trên) đang là 300 triệu/m2. Với diện tích hơn 3 nghìn m2 của dự án, giá đất có giá khoảng 900 tỷ đồng. Hiện nay, Hateco “chồng” dự án lên 30 tầng, bán với giá 32 triệu đồng/m2 xây dựng.

Trường hợp thâu tóm “đất vàng” của HTX cũng đang diễn ra tại Khu đất Ao Cây Dừa (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thuộc HTX Khương Đình. HTX này có 5.121 m2 đất tại khu vực này, thuộc quyền sử dụng lâu dài của 88 xã viên. Tháng 5/2010, HTX ký hợp đồng hợp tác đầu tư với liên danh Cty TNHH Bảo Tín Sơn Tùng - Cty Cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội số 8 để xây dựng Trung tâm thương mại - chung cư cao cấp.

Bà Đỗ Thị Bản, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Hạ Đình cho hay, HTX là cổ đông có đất, quy ra giá trị góp vốn khoảng 150 tỷ đồng. Bên hợp tác có trách nhiệm chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hoàn thiện mọi thủ tục, giấy tờ liên quan. Theo bà Bản, lợi nhuận của xã viên được chia theo tỷ lệ góp vốn bằng đất. Những ai hoàn cảnh khó khăn, hoặc vì dự án quá lâu không có nguyện vọng để tham gia dự án nữa thì được rút vốn. Hỏi về số tiền xã viên “rút” được về, sau một lúc suy nghĩ, bà Bản bật mí: Một số xã viên đã rút vốn với giá tính trung bình 13 triệu đồng/m2. Trong khi, giá thị trường đối với đất mặt đường Khuất Duy Tiến khoảng 200 - 250 triệu đồng/m2, mặt đường Nguyễn Trãi là trên 250 triệu đồng/m2 (dự án nằm ngay ngã ba hai tuyến đường lớn này).

Hiện nay, dự án này đang được quây tôn với tên tuổi chủ đầu tư mới là Sunshine (tên dự án Sunshine Boulevard). Tuy nhiên, dự án chưa thể khởi công do vướng vào tranh chấp với hàng chục hộ dân tổ 16 phường Thanh Xuân Trung kề đó.

Xã viên cần sự minh bạch

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng: Thực tế không tránh khỏi những điều khuất tất, thậm chí tiêu cực trong các thỏa thuận sau lưng xã viên giữa ban chủ nhiệm (theo Luật HTX mới gọi là ban giám đốc) HTX với chủ đầu tư. Ban giám đốc có thể có những “khoản” khác mà xã viên không có... “Các xã viên đều có quyền lợi trong phần vốn góp nên họ có quyền ý kiến và phải được tôn trọng. Nếu thấy có khuất tất về quy trình, quyền lợi thì phải kiến nghị, thậm chí tố cáo. Lúc đó, các cơ quan chính quyền cần vào cuộc” - ông Lê Hoàng Châu cho biết.

Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội) và công sự nhận định: Đất đai của HTX là tài sản có thể giao dịch nếu không nằm trong phần tài sản không chia của HTX. Điều cần làm rõ là việc giao dịch có được bàn bạc, bình đẳng, dân chủ hay không.

Theo luật sư Tú, đất của các HTX luôn là miếng mồi béo bở vì chủ yếu là đất nông nghiệp nhưng lại rất dễ chuyển đổi thành đất ở có giá trị cao. Đây chính là kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng thâu tóm những mảnh “đất vàng” này.

“Mô hình HTX hiện nay quản lý rất lỏng lẻo. Nếu không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh thì nên giải thể, tài sản chia cho các xã viên đảm bảo tính dân chủ. Còn đất của Nhà nước giao thì có thể xem xét thu hồi lại”.

Luật sư Trương Anh Tú

Long Vân