|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng

20:33 | 18/08/2022
Chia sẻ
Việc giá vật liệu tăng mạnh từ cuối quý IV/2020 đến hết quý I/2022 đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của các công trình, dự án.

Nhiều công trình bị chậm tiến độ do thiếu nguyên vật liệu và “càng làm càng lỗ” vì “bão giá”. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng cần sự nhập cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan.

Giá vật liệu biến động mạnh 

Giá nguyên, vật liệu xây dựng có xu hướng tăng. (Ảnh: TTXVN).

Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu thống kê, tùy từng loại công trình, chi phí vật liệu xây dựng thường chiếm khoảng từ 50% đến hơn 70% dự toán chi phí xây dựng. Từ cuối quý IV/2020 đến quý I/2022, giá nguyên, nhiên liệu, vật liệu xây dựng có xu hướng biến động tăng; trong đó có thép, xi măng, nhựa đường, xăng, dầu, cát, đất đắp. 

Từ tháng 4/2022 đến nay, giá nhiên liệu và một số vật liệu xây dựng chủ yếu bắt đầu giảm; trong đó, giá thép giảm mạnh nhất, hiện ở mức 15.000-16.000 đồng/kg, tương đương giá thép quý II/2021.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, so với mặt bằng giá quý IV năm 2020, tại thời điểm tháng 7/2022, giá nhiên liệu và giá một số vật liệu chủ yếu vẫn cao. Cụ thể, giá thép xây dựng cao hơn khoảng 25%; giá xi măng, theo từng thương hiệu cao hơn khoảng 15-20%; giá nhựa đường cao hơn khoảng 40%; dầu diesel khoảng 25.000 đồng/lít, cao hơn gần 100% so với quý IV/2020.

Theo Bộ Xây dựng, có nhiều nguyên nhân khiến giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu biến động mạnh trong thời gian qua. Đối với nguyên, nhiên liệu, vật liệu nhập khẩu như xăng dầu, nhựa đường, sắt thép... thì nguồn cung và giá cả phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Mà thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động từ các yếu tố chính trị, xung đột Nga - Ukraine đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn vật liệu sản xuất trong nước, giá bị ảnh hưởng của việc giá nhiên liệu tăng làm chi phí sản xuất, chi phí logistics cũng tăng theo.

Chính phủ đã ưu tiên tập trung bố trí vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm về hạ tầng, giao thông và triển khai nhiều gói kích cầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19, do đó nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao so với những năm trước, nhất là đối với vật liệu xây dựng không nung như đất đắp, cát, đá, sỏi...

Trong khi đó, khâu dự báo, kiểm soát, quy hoạch, xác định khối lượng vật liệu chủ yếu không kịp thời, dẫn đến tình trạng “thiếu cục bộ” tại một số địa phương, làm giá vật liệu cát, đất đắp... tăng đột biến.

Ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam chia sẻ, khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, chất lượng công trình, mục tiêu cam kết… chính là vật liệu xây dựng. Nếu chất lượng không được lựa chọn, giá không thích hợp thì các nhà thầu không thể “bù giá”. 

Nhiều gói thầu gặp khó 

Chỉ số giá xây dựng tăng. (Ảnh: TTXVN).

Theo số liệu do các địa phương công bố, chỉ số giá xây dựng quý I/2022 tăng trung bình khoảng 10% so với thời điểm gốc năm 2020 - thời điểm chưa có biến động; trong đó, chỉ số giá xây dựng một số công trình (công nghiệp, giao thông, hạ tầng kỹ thuật…) tại một số địa phương tăng từ 15 - 20%.

 

Yếu tố này đã tác động lớn đến khâu quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu thi công. Đối với hợp đồng trọn gói đang triển khai, theo quy định của pháp luật, đây là loại hợp đồng có giá trị hợp đồng không thay đổi suốt quá trình thực hiện.

Qua theo dõi, tổng hợp các ý kiến của các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, giá vật liệu xây dựng, nhiên liệu tăng bất thường tác động chủ yếu đến các hợp đồng được ký kết trước quý IV/2020 trở về trước và các hợp đồng quy mô nhỏ có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 20 tỷ đồng được ký kết từ năm 2021 trở lại đây (theo quy định của pháp luật về đấu thầu, các hợp đồng quy mô nhỏ phải thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói).

Ngoài ra, có một số hợp đồng thi công chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan như: chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 hoặc phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế.... dẫn đến việc các nhà thầu “rơi” vào giai đoạn giá tăng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà thầu gặp khó khăn, thi công cầm chừng.

Cùng đó, với hợp đồng đơn giá cố định là loại hợp đồng có đơn giá thanh toán cố định trong suốt quá trình thực hiện, do vậy khi tăng giá vật liệu, nhiên liệu cũng gặp khó khăn tương tự như trường hợp hợp đồng trọn gói.

Hiện hầu hết đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, các công trình thi công sau năm 2020 đều chọn phương án ký kết hợp đồng theo nguyên tắc điều chỉnh đơn giá.

Pháp luật hiện hành về hợp đồng xây dựng đã quy định rõ các phương pháp điều chỉnh giá để chủ đầu tư, nhà thầu lựa chọn (điều chỉnh theo chỉ số giá công trình, chỉ số giá theo nhóm vật liệu xây dựng chủ yếu; điều chỉnh theo từng danh mục giá vật liệu xây dựng; giá điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp...).

Như vậy, việc thực hiện các hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh sẽ giảm thiểu các rủi ro, ảnh hưởng do biến động giá vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng lý giải. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà thầu, xác lập, ký kết các hợp đồng thi công còn phụ thuộc vào việc lựa chọn, áp dụng nguồn giá, chỉ số giá xây dựng, phạm vi điều chỉnh giá đã được các bên thỏa thuận trong từng hợp đồng, gói thầu cụ thể.

Thực tế, thời gian qua việc thực hiện hợp đồng loại này cũng vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc do giá vật tư, vật liệu và chỉ số giá xây dựng ở nhiều địa phương công bố, dùng để điều chỉnh giá hợp đồng công bố chậm.

Một số giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng công bố không sát với diễn biến giá trên thị trường; danh mục vật liệu xây dựng công bố không đầy đủ, ảnh hưởng đến việc thanh toán các hợp đồng - Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Phạm vi điều chỉnh giá trong một số hợp đồng bị giới hạn do các bên không lường hết rủi ro về trượt giá và tình trạng thiếu nguồn cung đối với một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu như đất đắp, cát, đá..., nhất là với các dự án đường cao tốc phía Đông giai đoạn 1. Một số hợp đồng không xác lập việc điều chỉnh giá đối với phần vật liệu đất đắp - chiếm tỷ trọng khoảng 15 - 25% giá hợp đồng.

Ngoài ra, việc lựa chọn các phương pháp, phạm vi, đối tượng, nguồn dữ liệu để áp dụng trong hợp đồng chưa phù hợp, đã không phản ánh đúng thực tế biến động giá thị trường.

Phó Giám đốc Ban Kế hoạch – Kỹ thuật Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Lê Bách phản ánh, hiện nay, giá thép đã giảm nhẹ nhưng vẫn cao. Nếu cộng cả hợp đồng gốc với sự trượt giá do các địa phương công bố thì vẫn chưa thể bù đắp được. Bởi không chỉ riêng thép mà các vật liệu khác như đất đắp, xăng dầu, xi măng… đều tăng khiến giá thành các dự án đang bị vượt khoảng 18 - 30% so với hợp đồng gốc.

Tháo gỡ khó khăn

Thi công cao tốc Vĩnh Hào - Phan Thiết tại địa bàn xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. (Ảnh: TTXVN).

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 9/7/2022 của Chính phủ và các văn bản, công điện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đã theo sát tình hình thực tế; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai quyết liệt một số giải pháp.

Thông qua các hình thức gửi văn bản, tổ chức hội nghị trực tuyến, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc công bố giá theo quy định pháp luật; tăng tần suất công bố và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng bảo đảm kịp thời với những biến động giá trên thị trường xây dựng.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Ngoài việc tăng cường kiểm tra, Bộ Xây dựng còn hướng dẫn các địa phương về mặt nghiệp vụ khảo sát thu thập số liệu, cách thức xác định giá vật liệu, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng.

Trong 7 tháng năm 2022, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức 7 đoàn hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc công bố giá tại 7 địa phương về việc chấp hành quy định về công bố giá, phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay.

Ban Chỉ đạo điều hành giá quốc gia cũng đã giao Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thép xây dựng, để tránh việc “đầu cơ, găm hàng, thổi giá” thép; yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát quy hoạch, hỗ trợ vật liệu xây dựng để xác định nguồn cung về vật liệu xây dựng; Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thực hiện việc tổng hợp danh mục vật liệu xây dựng chủ yếu sử dụng trong công trình giao thông trọng điểm quốc gia gửi các địa phương để làm căn cứ khảo sát, công bố giá trên địa bàn.

Với những giải pháp trên, việc tổ chức xác định, công bố giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện đã có 44 địa phương công bố giá vật liệu hàng tháng, 19 địa phương công bố giá vật liệu xây dựng hàng quý.

Một số địa phương thực hiện tốt khâu khảo sát, công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời, bám sát diễn biến thị trường, thuận tiện cho chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thanh, quyết toán và xác lập quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Đến nay, khi các địa phương chủ động việc công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, sát với thị trường, cơ bản đáp ứng việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý chi phí hợp đồng. Giá vật liệu xây dựng đã bắt đầu hạ nhiệt, có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, thực tế biến động quá nhanh, Bộ Xây dựng nhận định vẫn cần các giải pháp theo kịp thực tiễn bởi nhiều hợp đồng đã và đang thực hiện trong 2 năm qua vẫn còn gặp khó khăn.

Nếu theo quy định của pháp luật hiện hành, hợp đồng đã ký trọn gói, đơn giá cố định chỉ được điều chỉnh trong trường hợp “bất khả kháng” hoặc “hoàn cảnh thay đổi”. Trong đó, các tiêu chí về bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi tại văn bản quy phạm pháp luật lại không định lượng, không quy định cụ thể “biến động giá vật liệu xây dựng” là trường hợp bất khả kháng hay trường hợp hoàn cảnh thay đổi.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi, cụ thể hóa các quy định này tại các Luật có liên quan (Bộ Luật Dân sự, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng), thời gian sẽ kéo dài đến năm 2023-2024.
Bởi giải pháp này không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay khi giá vật liệu xây dựng đang có xu hướng giảm. Hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tổng hợp số liệu thực hiện của các hợp đồng để báo cáo Chính phủ.

Với khó khăn, vướng mắc của hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2021 trở lại đây, đảm bảo công bố sát giá thị trường, công bằng, minh bạch.

Trường hợp giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá đã công bố theo quý chưa phản ánh đúng biến động giá vật liệu xây dựng trên thị trường, các địa phương cần bổ sung việc công bố vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng, tăng tần suất sớm hơn, theo tháng, đảm bảo theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, liên Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương, kịp thời tham mưu về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có), báo cáo Chính phủ.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư cần chỉ đạo chủ đầu tư dự án báo cáo đánh giá về khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân (chủ quan, khách quan); xác định rõ trách nhiệm các bên và cơ sở pháp lý về việc điều chỉnh hợp đồng (kể cả các hợp đồng BOT), đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trên cơ sở chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Đồng thời, xác định mức độ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư đã phê duyệt, cân đối các nguồn vốn, báo cáo liên Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông Vận tải để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Hằng

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.