|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thanh tra Masan và Khải Hoàn, các công ty con nào có thể trong 'tầm ngắm'?

08:58 | 12/01/2017
Chia sẻ
Thanh tra Bộ Y tế vừa thông báo sẽ thanh tra toàn diện hai nhà sản xuất nước mắm Masan và Khải Hoàn. Tuy chỉ thanh tra 2 doanh nghiệp nhưng số lượng công ty con của họ lên tới hơn 10 đơn vị.

Mới đây, báo chí đưa tin Thanh tra Bộ Y tế sau Tết Nguyên đán sẽ thanh tra toàn diện hai nhà sản xuất nước mắm vào loại lớn nhất hiện nay ở Việt Nam là Masan và Khải Hoàn. Cũng theo tin tức này, mặc dù chỉ thanh tra 2 doanh nghiệp nhưng lại có tới hơn 10 công ty con.

Masan Consumer là công ty con do Công ty TNHH MasanConsumer Holdings thuộc Tập đoàn Masan (Masan Group) nắm giữ gần 94% vốn. Được thành lập năm 2000 với số vốn điều lệ 15 tỷ đồng, qua 20 lần tăng vốn, đến nay Masan Consumer có vốn điều lệ đạt 5.318,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu MCH của Masan Consumer cũng vừa lên giao dịch UPCoM vào ngày 5/1 vừa qua với giá tham chiếu 90.000 đồng/cp.

Các ngành nghề kinh doanh chính của Masan Consumer gồm bán buôn thực phẩm; sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng; bán buôn đồ uống; bán buôn tổng hợp; sản xuất sản phẩm từ plastic; chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; chế biến và bảo quản rau quả; sản xuất dầu, mỡ động, thực vật; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; sản xuất mì ống, mỳ sợi và sản phẩm tương tự; sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản.

Masan Consumer được biết đến với một số thương hiệu thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi, gia vị, đồ uống, cà phê như Omachi, Kokomi, VinaCafe, Wake-up… Đặc biệt, Masan Consumer có các dòng sản phẩm về nước mắm, nước tương như Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử.

Tại bản công bố thông tin niêm yết UPCoM, Masan Consumer công bố đến cuối năm 2015, công ty chiếm lĩnh 65% thị phần nước mắm, 71% thị phần nước tương, 25% thị phần mì ăn liền, 43% ở cả thị phần tương ớt và thị phần cà phê hòa tan.

thanh tra masan va khai hoan cac cong ty con nao co the trong tam ngam
Các sản phẩm chủ đạo của Masan Consumer.

Hiện tại, Masan Consumer có 16 công ty con. Trong đó, doanh nghiệp nắm quyền sở hữu trực tiếp tại 3 công ty gồm: Công ty TNHH MTV Masan Beverage, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Masan và Masan Consumer Thailand Limited.

Masan Consumer có các công ty con khác liên quan đến sản xuất gia vị như Công nghệ Thực phẩm Việt Tiến, Masan MB, Nam Ngư Phú Quốc, Công nghiệp Masan, Masan PG, Masan ĐN, Masan PQ.

Các công ty con khác của Masan Consumer liên quan đến các ngành đồ uống như Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn, Nước khoáng Quảng Ninh, Vinacafe Biên Hòa, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Sản xuất Thương mại CDN và Thương mại dịch vụ sản xuất Krôngpha.

Ngoài ra, Thực phẩm Cholimex là công ty liên kết của Masan Consumer, chuyên sản xuất gia vị với tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ là 32,84%.

thanh tra masan va khai hoan cac cong ty con nao co the trong tam ngam
Sản phẩm nước mắm của Khải Hoàn

Đơn vị thứ 2 cùng được thanh tra trong đợt này là Doanh nghiệp tư nhân Hải sản Khải Hoàn, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống được giới thiệu là “cha truyền con nối” qua 3 thế hệ, tương ứng với 40 năm kinh nghiệm.

Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2012. Ngoài trụ sở chính tại số 11 Hùng Vương, Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang, Khải Hoàn còn có các đại lý phân phối tại TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội. Khải Hoàn cho biết hiện có 2 dòng sản phẩm chính từ 20 – 35 độ đạm và từ 38 – 43 độ đạm.

Trước đó, liên quan tới nước nắm, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố rằng các loại nước mắm có độ đạm càng cao thì lượng arsen tổng (gồm arsen vô cơ và arsen hữu cơ) vượt ngưỡng quy định của Bộ Y tế càng cao.

Tuy nhiên, Bộ Y tế và chính Vinastas sau đó khẳng định không phát hiện bất cứ loại nước mắm nào trên thị trường nhiễm arsen vô cơ (loại arsen có hại cho sức khỏe). Vinastas đã chính thức xin lỗi người tiêu dùng cả nước về công bố thiếu chính xác và minh bạch của mình.

Linh Lê - Nam Đức

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.