Thanh tra Bộ Y tế kết luận hoa khôi tiêm vắc xin COVID-19 đăng tin sai sự thật
Thanh tra Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về việc chuyển hồ sơ vụ việc "hoa khôi tiêm vắc xin COVID-19" để xem xét xử lý theo quy định, theo báo Người lao động.
Theo văn bản này, ngày 20/7 vừa qua, một số báo có đăng tin: "Dân mạng bức xúc khi "hoa khôi" khoe tiêm vắc xin COVID-19 không cần đăng ký". Nội dung bài viết có liên quan đến công tác tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Hữu Nghị.
Sau buổi làm việc với Bệnh viện Hữu Nghị, Thanh tra Bộ Y tế xác định người được tiêm vắc xin COVID-19 được báo đề cập là bà V.P.A. (SN 1996 ở Thanh Xuân, Hà Nội).
Theo thông tin từ bệnh viện, bà V.P.A. đã được người thân nhờ một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 từ ngày 12/7 và đã được Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị đồng ý giải quyết cho tiêm nếu có dư liều vắc xin.
Bệnh viện cho biết đây là việc làm để giải quyết tình huống vào cuối mỗi buổi tiêm trong trường hợp có người thuộc diện được mời đến tiêm nhưng không đến hoặc có người thuộc diện được mời đến tiêm nhưng qua khám sàng lọc không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm nhằm tránh lãng phí.
Việc bà V.P.A. được tiêm vắc xin COVID-19 vào ngày 19/7 thuộc trường hợp như vừa mô tả trên đây và được bệnh viện thông báo đến để tiêm.
Thanh tra Bộ Y tế kết luận bài đăng của tài khoản V.P.A. về việc tiêm vắc xin COVID-19 không cần đăng ký là thông tin sai sự thật. (Ảnh chụp màn hình).
Tại thời điểm ngày 19/7, Bệnh viện Hữu Nghị chỉ còn hai loại vắc xin mới nhận là Pfizer và Moderna (vắc xin COVID-19 của Astrazeneca đã hết từ trước đó) và việc tiêm vắc xin nào cho người đến tiêm do bệnh viện điều hành, không có sự ưu ái cho bất kỳ ai.
Tuy nhiên, qua mạng xã hội, bà V.P.A. đã đưa tin về việc tiêm vắc xin COVID-19 không cần đăng ký và được ưu tiên tiêm vắc xin Pfizer. Từ kết quả kiểm tra, xác minh tại Bệnh viện Hữu Nghị cho thấy bà V.P.A. đưa tin như đã nêu là sai sự thật.
Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, Thanh tra Bộ Y tế chuyển hồ sơ vụ việc (đơn xin đăng ký tiêm vắc xin COVID-19; bản tường trình của bác sĩ liên quan...) đến Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022, Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.
Bộ Y tế cho biết dự kiến sẽ có khoảng 124 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam tới cuối năm 2021.
Trong đó, vắc xin từ nguồn hỗ trợ của Chương trình COVAX Facility là 38,9 triệu liều, Bộ Y tế đàm phán trực tiếp mua vắc xin của Pfizer/ BioNTech 31 triệu liều, mua của AstraZeneca 30 triệu liều thông qua Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam, Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga và sẽ hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều cho Bộ Y tế.
Ngoài ra còn có vắc xin do Chính phủ Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, đại sứ quán các nước tặng.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, tính đến nay Việt Nam đã thực hiện tiêm tổng hơn 4 triệu liều vắc xin.
Trong sáng nay, Việt Nam nhận thêm hơn 1,2 triệu liều vắc xin AstraZeneca.