|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thanh long bỗng chốc giảm giá đột ngột, ế chỏng ế trơ

16:13 | 03/10/2018
Chia sẻ
Nhiều vườn thanh long hiện đã chín đỏ rực nhưng hầu như không có thương lái tới hỏi mua, có mua họ cũng chỉ mua thanh long ruột đỏ, với giá 2.000 đồng/kg. Còn thanh long ruột trắng ế chỏng ế trơ.
thanh long bong choc giam gia dot ngot e chong e tro

Ông Nguyễn Thanh Hải, ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, lo lắng vì sợ thương lái không đến thu mua thanh long. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Thời điểm hiện nay, tại 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc – vùng trồng thanh long lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hàng trăm tấn thanh long đã đến thời kỳ chín rộ, thương lái trả giá cũng chỉ từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ, còn hầu như các vườn thanh long ruột trắng hầu như không ai hỏi mua.

Ông Nguyễn Tông Hạ, ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc có 1,5ha trồng thanh long, trong đó 1ha trồng thanh long ruột trắng, 5 sào trồng thanh long ruột đỏ. Hiện, gia đình ông có khoảng hơn 10 tấn thanh long cả ruột trắng, lẫn đỏ đang bị ứ đọng tại vườn.

Nhìn vườn thanh long quả đã chín, quá kỳ thu hoạch mà không có thương lái nào tới hỏi mua, ông Hạ xót xa: “Cách đây 1 tháng, khi lứa thanh long của gia đình tôi đang kỳ lớn, thấy giá thanh long đang có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg ruột đỏ và 5.000 - 7.000 đồng/kg thanh long ruột trắng, bỗng chốc giảm đột ngột xuống còn 1.500 - 2.000 đồng/kg. Đã vậy, nhiều thương lái còn chê thanh long ruột trắng không ai hỏi mua. Hàng ngày ra vườn thấy thanh long mỗi ngày mỗi chín đỏ mà không bán được chúng tôi thực sự lo lắng”.

Vườn thanh long của bà Hoàng Thị Lan, ấp Trang Định, xã Bông Trang cũng tương tự, hiện bà có 140 trụ thanh long ruột đỏ đang cho trái và đến kỳ thu hoạch rộ, với ước sản lượng khoảng 1 tấn nhưng bà cho biết mấy ngày nay không thấy một ai tới hỏi mua, khiến bà rất lo lắng và sốt ruột, dù thương lái trả giá rẻ bà cũng phải bán.

Bởi theo bà Lan, thanh long đến kỳ thu hoạch không thể neo trái được, khi thanh long chín quá mà vẫn để trên cây gặp trời mưa, rồi nắng sẽ bị nứt trái, cây thì sẽ kiệt sức vì phải dồn chất dinh dưỡng nuôi trái.

Không chỉ ở xã Bông Trang, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc người trồng thanh long cũng đang trong cảnh tương tự.

Hiện, nhiều vườn thanh long trên địa bàn xã Bưng Riềng đã chín đỏ rực nhưng hầu như không có thương lái tới hỏi mua, có mua họ cũng chỉ mua thanh long ruột đỏ, với giá 2.000 đồng/kg. Còn thanh long ruột trắng vẫn ế chỏng ế trơ.

thanh long bong choc giam gia dot ngot e chong e tro

Thu hoạch thanh long tại vườn của gia đình ông Nguyễn Tông Hạ, ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Gia đình ông Nguyễn Thanh Hải, ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc có 6 sào thanh long ruột đỏ. Đợt này, sản lượng thanh long của vườn ông đạt 7 tấn, nhưng sau khi cân trừ đầu trừ đuôi gia đình ông thu về có 12 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho vụ thanh long này của gia đình ông đã lên khoảng gần 100 triệu đồng.

Ông Trần Quang Hải, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Hưng Thịnh, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc cho biết, với giá thanh long rớt xuống thấp như thế này khiến nhiều người trồng thanh long thua lỗ nặng. Hầu như năm nào cũng có 1 đợt thanh long rớt giá, nhưng chưa năm nào giá thanh long ruột đỏ lại rớt giá thê thảm như năm nay.

Theo nhiều thương lái, giá thanh long rớt xuống thấp là do thương lái Trung Quốc ngưng mua hàng thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chưa năm nào thanh long ruột đỏ lại rớt giá xuống thấp như năm nay.

Theo chính quyền địa phương 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, hiện thanh long trên địa bàn 2 xã ứ đọng chưa bán được tại các vườn lên đến hàng trăm tấn. Với giá bán rẻ như cho, cộng với việc thương lái chê thanh long ruột trắng, nguy cơ người dân phải đổ bỏ thanh long là rất cao.

Nhiều người trồng thanh long trên địa bàn 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng cũng rất mong muốn, nhà nước, các cơ quan chức năng liên quan sớm giúp người dân tìm đầu ra cho thanh long, có giá cả ổn định, không phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, từ đó giúp người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Xem thêm

Hoàng Nhị