Thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam
Sáng ngày 27/10, Ban Vận động thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam đã tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam nhiệm kì 2020 - 2025.
Hiệp hội Nước mắm Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân cùng đồng lòng nghiên cứu, xây dựng và quảng bá văn hoá ẩm thực nước mắm của người Việt; tăng liên tục sản lượng nước mắm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm và thị hiếu người tiêu dùng…
"Nước ta chưa có tổ chức, hiệp hội nào về nước mắm mang tính toàn quốc, mới có ở cấp địa phương. Đây cũng là tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước mắm khi xảy ra tranh chấp", ông Trần Đáng, thành viên ban chấp hành Hiệp hội Nước mắm Việt Nam chia sẻ.
Doanh số và sản lượng kinh doanh nước mắm của các hội viên sáng lập của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam chiếm khoảng 70% doanh số và sản lượng của toàn bộ ngành nước mắm Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phùng Đức Tiến hiện nay cả nước có 783 cơ sở và 1.500 hộ gia đình có tham gia chế biến nước mắm với tổng công suất chế biến đạt 250 triệu lít/năm.
Trong đó, có khoảng 270 cơ sở có quy mô công suất từ 100.000 lít/năm trở lên, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh trọng điểm như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,Tp.HCM, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Kiên Giang,..
Đặc biệt nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) đang rất nổi tiếng ở trong nước và thế giới.
Số lượng cơ sở chế biến nước mắm tham gia xuất khẩu là 35 cơ sở, tập trung chủ yếu cở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ và ĐBSCL, chiếm 4,5% tổng số cơ sở chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường.
Hiện nay, nước mắm đã được xuất khẩu sang trên 20 thị trường, chủ yếu Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,.... Còn lại chủ yếu là chế biến tiêu thụ nội địa với 748 cơ sở, chiếm 22,8% số lượng cơ cở chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa.
Năm 2019 đã xây dựng và hình thành được 43 mô hình chuỗi sản xuất tiêu thụ nước mắm an toàn, chiếm 28,1% tổng số chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi cả nước.
Tổng giá trị ngành hàng nước mắm hiện nay đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm; tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua đạt 13,25%/năm.
Trong 10 năm trở lại đây, đã có một số doanh nghiệp lớn đầu tư cho sản xuất nước mắm với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại sản phẩm, phù hợp hơn với nhiều đối tượng người tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng nước mắm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho nhận định đây là điều kiện thuận lợi để nâng cấp, hiện đại hóa ngành nghề sản xuất nước mắm ở Việt Nam.
Do vậy, việc xây dựng, ban hành TCVN, QCVN để quản lí nước mắm phải dựa trên căn cứ khoa học, sát với thực tiễn sản xuất để bảo đảm tính khả thi; chú trọng quản lí chặt chẽ các chỉ tiêu ATTP, còn các chỉ chất lượng như độ đạm, độ muối, hương vị… để thị trường (người tiêu dùng) quyết định và phải được minh bạch trên nhãn sản phẩm.
Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng cần có tuyên truyền, giải thích rõ để không gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh nước mắm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lành mạnh hóa thị trường nước mắm.
"Hiện nay có ba bộ tiêu chuẩn về nước mắm. Đầu tiên, quốc tế đã có tiêu chuẩn Codex về nước mắm. Thứ hai, Việt Nam cũng có tiêu chuẩn quốc gia 5102 về nước mắm. Thứ ba, trước đây Bộ Thủy sản cũng đã có tiêu chuẩn cho nước mắm phú quốc. Do đó, đây là tiêu chuẩn cơ bản để dựa vào", ông Đáng nhận định.