|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nước mắm truyền thống tìm cách tăng thị phần nội địa và cơ hội xuất khẩu

14:17 | 27/04/2019
Chia sẻ
Gia tăng giá trị và đẩy mạnh công tác tiếp thị - phân phối nước mắm truyền thống là một khâu yếu cần nhanh chóng khắc phục cho nước mắm truyền thống hiện nay.

Hơn 70% người tiêu dùng dành tình cảm tốt cho nước mắm truyền thống nhưng chỉ chiếm 30% thị phần

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, ngày 26/4, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức Hội thảo "Nâng cao giá trị - Phát triển thị trường nước mắm truyền thống" tại TP HCM.

Theo kết quả khảo sát xu hướng tiêu dùng nước mắm với cả người tiêu dùng và điểm bán do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) thực hiện cho thấy, đại đa số người tiêu dùng, tương đương 86% đều đồng tình với quan điểm "sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng giúp tôi an tâm khi mua dùng" với điểm bình quân đạt 4/thang điểm 5 về mức độ đồng tình với quan điểm trên.

Yếu tố chi phối xuyên suốt trong lựa chọn của người tiêu dùng đối với cả sản phẩm nước mắm hiện nay đều thể hiện nhu cầu tiêu dùng vì sức khỏe, tiêu dùng sạch, tiêu dùng an toàn. Trong đó có hơn 70% người tiêu dùng dành tình cảm tốt cho nước mắm truyền thống và đa số sử dụng sản phẩm này hàng ngày.

Nước mắm truyền thống tìm cách tăng thị phần nội địa và cơ hội xuất khẩu - Ảnh 1.

Hội thảo "Nâng cao giá trị - Phát triển thị trường nước mắm truyền thống" diễn ra vào ngày 26/4 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh

Tuy nhiên, theo đại diện ban nghiên cứu thị trường BSA, tỉ lệ bầu chọn nước mắm công nghiệp tuy có giảm hơn so với trước đây nhưng vẫn dẫn đầu xu hướng tiêu dùng nước mắm. Đồng thời, mức độ lựa chọn của người tiêu dùng còn giới hạn đối với nước mắm truyền thống.

"Điều này cũng cho thấy nỗ lực của các đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống trong việc bám trụ thị trường, đưa sản phẩm tới điểm bán và người tiêu dùng còn giới hạn", vị này cho biết.

Số liệu của Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM cũng đưa ra cùng kết quả, khi trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 250 triệu lít nước mắm. Trong đó, nước mắm truyền thống chỉ chiếm khoảng 60 triệu lít, nước chấm công nghiệp (nước mắm tự nhiên pha loãng và thêm hương vị) chiếm khoảng 190 triệu lít, tương đương 70% thị phần nội địa.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của BSA, kênh truyền thống chiếm tỷ lệ chi phối (90%) trong ngành hàng nước mắm, trong đó kênh chợ chiếm gần một nửa so với tất cả các kênh còn lại. Đặc biệt, có khoảng 50% sản lượng nước mắm được phân phối thông qua mối sỉ, phần còn lại đến từ nhà phân phối chính thức.

"Duy nhất chỉ có 1 – 2 doanh nghiệp có chương trình trưng bày để quảng bá sản phẩm, chiếm 5 – 10% số quầy. Kênh phân phối của các doanh nghiệp hiện nay đều không bền vững và việc kiểm soát giá không tốt", đại diện BSA thông tin.

Khắc phục khâu yếu kém về giá trị và thị trường cho nước mắm truyền thống

Trong bối cảnh này, để gia tăng giá trị và đẩy mạnh công tác tiếp thị - phân phối nước mắm truyền thống, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao triển khai Chương trình hỗ trợ bán hàng cho nước mắm truyền thống dành cho các Hội nước mắm thuộc tỉnh, thành trên cả nước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nước mắm.

Chương trình với mục tiêu tạo điều kiện tiếp thị thị trường; kết nối đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại và mạng lưới chợ truyền thống tại các thị trường lớn như TP HCM, Hà Nội…

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết Chương trình sẽ triển khai một số hoạt động thiết thực như xây dựng ứng dụng hỗ trợ bán hàng, thực hành doanh nghiệp về marketing, cải thiện hình ảnh nhận diện thương hiệu các sản phẩm nước mắm truyền thống…

Vì trong bối cảnh thị trường ngày càng xuất hiện nhiều các vụ bê bối liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm thì các yếu tố liên quan đến vấn đề an toàn, sức khỏe được người tiêu dùng quan tâm hơn cả như sản phẩm vệ sinh, thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, thành phần sản phẩm...

Nước mắm truyền thống tìm cách tăng thị phần nội địa và cơ hội xuất khẩu - Ảnh 2.

Các gian hàng nước mắm truyền thống trưng bày, giới thiếu ản phẩm tại Hội hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2019. Ảnh: Như Huỳnh

Đặc biệt, ngoài yếu tố cảm nhận về chất lượng như ngon, hợp khẩu vị, yếu tố tạo sự thuận tiện trong việc tiếp cận sản phẩm cũng được người tiêu dùng khá quan tâm. Theo đó, Chương trình sẽ trở thành công cụ hiệu quả giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh chinh phục người tiêu dùng.

"Thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi những đơn vị sản xuất kinh doanh nước mắm truyền thông phải nâng cao khả năng tiếp thị, phân phối… trong cuộc chiến giành thị phần", Chủ tịch BSA nhấn mạnh.

Còn theo ông Didier Corlou, nhà nghiên cứu ẩm thực cho rằng, thị trường nội địa Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác thị phần cho nước mắm truyền thống, việc sử dụng các đầu bếp quốc tế để đưa nước mắm ra bên ngoài thế giới cũng là một cách làm hay. 

Để xuất khẩu nước mắm, các nhà thu mua nước ngoài quan tâm nhiều nhất là chất lượng chứ không phải số lượng. "Lời khuyên của tôi là doanh nghiệp hãy tập trung vào chất lượng, đừng sử dụng chất phụ gia, chỉ sử dụng cá và muối thì việc xuất khẩu chắc chắn dễ dàng", ông Didier Corlou chia sẻ.

Tối 26/4, Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 chính thức khai mạc tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP HCM).

Diễn ra trong ngày 26/4 - 1/5, Hội chợ dành một không gian rộng lớn với gần 20 gian hàng của các Hội nước mắm truyền thống được thiết kế, giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng thành phố.

Năm nay, Hội chợ thu hút hơn 200 doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và gần 100 bạn trẻ khởi nghiệp trên cả nước, trưng bày 500 gian hàng gồm các ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, nông sản, đồ dùng gia đình, điện – điện máy, may mặc, giày dép…


Như Huỳnh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.