|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thanh, kiểm tra không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP HCM

12:05 | 25/03/2019
Chia sẻ
Các cuộc thanh tra, kiểm tra những dự án gần đây không làm ảnh hưởng môi trường đầu tư TP.HCM, trái lại sẽ củng cố cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp minh bạch hơn, an toàn hơn.
Thanh, kiểm tra không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP HCM - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi thông tin với đại diện các doanh nghiệp nước ngoài sau buổi đối thoại - Ảnh: NGỌC HIỂN

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định như vậy tại "Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2019" ngày 23-3. 

Liên quan đến câu hỏi của nhà đầu tư Mỹ về các đợt thanh tra, kiểm tra những dự án gần đây liệu có làm ảnh hưởng môi trường đầu tư TP.HCM, chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định: điều này không hề ảnh hưởng đến môi trường đầu tư TP, trái lại sẽ giúp cho các hoạt động đầu tư minh bạch hơn, củng cố niềm tin của nhà đầu tư hơn. 

Theo ông Phong, để phù hợp với các thay đổi của quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công, đất công, TP.HCM vừa cho rà soát lại tất cả các dự án trên thành phố. 

Những dự án nào chưa phù hợp với quy định của pháp luật thì TP mời doanh nghiệp hợp tác điều chỉnh đúng quy định của pháp luật hiện hành. Có một số dự án trong giai đoạn chuyển tiếp, hai bên ngồi lại, bàn cách xử lý, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Chủ tịch UBND TP cũng cho biết hướng xử lý của TP liên quan đến việc chuyển đổi 26.600 ha đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp và đất khác với 3.440 dự án theo nghị quyết 80/2018 của Chính phủ. 

"Về việc này TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên & môi trường cũng như các Sở liên quan triển khai các dự án theo phương thức minh bạch, công khai và thông qua đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư", ông Phong thông tin. 

Thanh, kiểm tra không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP HCM - Ảnh 2.

Một góc cảng Cát Lái, TP HCM - Ảnh: TTO

Tại hội nghị, đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên, ông Tomaso Andreatta - phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) - đã nêu ra hàng loạt các kiến nghị của các doanh nghiệp về các tồn tại trong lĩnh vực hạ tầng đô thị của TP.HCM. 

Trong đó, ông Tomaso Andreatta kiến nghị TP cần nhanh chóng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị. Ngoài ra, việc di chuyển các cảng ra khỏi nội đô là bước tiến quan trọng để giảm ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông cho TP.HCM.

Về vấn đề giao thông, ông Tomaso Andreatta cho rằng TP cần phối hợp với các đô thị lân cận để tạo ra những thay đổi lớn trong giải tỏa, tắc nghẽn giao thông ở các cửa ngõ của TP. Còn đối với khu vực nội thành, tàu điện ngầm cần phải kết nối với các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi và các lối đi cho người đi bộ... 

Bên cạnh đó, ông Tomaso Andreatta cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí do sự phát triển công nghiệp, sử dụng năng lượng hóa thạch. Do đó, các doanh nghiệp châu Âu cũng quan tâm đến các chính sách thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo như các dự án điện mặt trời...

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Anh tại VN cho rằng vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư. Ngoài ra, dù thời gian vận hành dự kiến của tuyến metro số 1 đã đến gần, song ông này cho rằng thời gian tới thực trạng tắc nghẽn giao thông sẽ còn trầm trọng hơn, do đó TP cần phải ưu tiên giải bài toán giao thông để không ảnh hưởng đến sự thu hút vốn đầu tư cũng như khách du lịch. 

Các nhà đầu tư cũng cho rằng: việc thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác vì nó làm tăng chi phí sản xuất.

Theo ông Trần Quang Lâm, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, TP nhận thức được tình trạng khó khăn, thách thức về hạ tầng và đang tích cực triển khai hàng loạt dự án với tầm nhìn dài hơi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

Thanh, kiểm tra không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP HCM - Ảnh 3.

Thi công tuyến metro số 1- Ảnh: TTO

Trong thời gian qua, số điểm ùn tắc của toàn TP từ 38 vị trí đã giảm xuống còn 28 vị trí và dự kiến trong năm 2019 giảm thêm 4 vị trí. Thực tế, sản lượng hàng trên địa bàn thành phố đều tăng, chẳng hạn sản lượng hàng hoán qua hệ thống cảng biển tăng 7-9%, chiếm 22% của cả nước. Đối với vận tải đường thuỷ cũng như đường bộ đều tăng từ 5-6%.

Trước sự lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng quá tải hạ tầng giao thông, ông Lâm cho biết TP.HCM đã có kế hoạch 5 năm với nhiều chương trình đột phá giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông với nhiều kế hoạch cụ thể.

"Riêng giai đoạn từ 2015-2020, chúng tôi có 94 dự án với 4 tỉ USD đầu tư cơ sở hạ tầng đang triển khai, tập trung vào dự án khu vực kết nối sân bay Tân Sơn Nhất, kết nối với hệ thống cảng biển, hay kết nối vành đai 2. Ngoài ra, TP còn tham gia ứng vốn với Bộ Giao thông vận tải để triển khai dự án vành đai 3", ông Lâm nói.

TP cũng đã có quy hoạch 8 tuyến đường sắt với 220km trong đó có tuyến metro số 1, số 2 và số 5. Dự kiến, tuyến metro số 1 sẽ đi vào khai thác từ năm 2021 và tuyến số 2 là năm 2024. Xa hơn là tuyến metro số 5 phấn đấu sẽ sử dụng từ 2026-2027.

Về vấn đề giao thông công cộng, TP đang học tập nghiên cứu ở một số thành phố quốc tế. Với một siêu đô thị như TP.HCM phát triển giao thông công cộng là một chiến lược lâu dài, quyết liệt. 

Hiện giao thông công cộng ở TP.HCM chỉ đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của người dân và phấn đấu cuối năm 2020 là 15%. Đây là cách duy nhất giảm tình trạng tắc giao thông và tai nạn giao thông. 

Cũng theo ông Lâm, Sở đang có đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp quản lý nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Có chính sách khuyến khích người dân lựa chọn chuyển sang phương tiện công cộng, an toàn tiện lợi, chi phí hợp lý, góp phần giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường.

Về phát triển hạ tầng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông vận tải vừa điều chỉnh quy hoạch của sân bay này từ 25 triệu lên 50 triệu khách. Năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã đạt 38 triệu lượt hành khách. 

Chỉ tính riêng khu vực bên ngoài sân bay đã có 10 dự án đầu tư với 10 tỉ USD, xây dựng tuyến đường chia sẻ các đường vào sân bay.

Hai tháng, TP.HCM thu hút FDI gần 1 tỉ USD

Ông Michele D’Ercole, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ý tại Việt Nam (ICham) cho biết chỉ trong vòng hai tháng đầu năm 2019, TP.HCM đã thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI lên tới 1 tỷ USD. Đây là tín hiệu tích cực cho các định hướng về chính sách kinh tế của TP.

Trong năm nay, sức hấp dẫn của đầu tư FDI của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh, đặc biệt là về chất lượng, vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ, bao gồm các thương hiệu lớn, đang chọn Việt Nam làm điểm đến.

TPHCM nỗ lực giải cứu, TPHCM nỗ lực giải cứu, 'đất vàng' có tìm được nhà đầu tư? Kiểm tra 2.000 ha đất bỏ hoang tại Mê Linh, Hà NộiKiểm tra 2.000 ha đất bỏ hoang tại Mê Linh, Hà Nội TP HCM giao công an kiểm tra việc cán bộ tiếp tay với đầu nậu xây nhà trên đất nông nghiệp tại Bình ChánhTP HCM giao công an kiểm tra việc cán bộ tiếp tay với đầu nậu xây nhà trên đất nông nghiệp tại Bình Chánh

N.Bình - Ngọc Hiển

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.