|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Thanh khoản hiện nay thấp nhưng chất'

13:32 | 17/02/2023
Chia sẻ
Theo chuyên gia từ Fiingroup, thanh khoản đang đi tìm một mặt bằng mới, đây là điểm tích cực trong bối cảnh dư nợ cho vay margin giảm sâu, ước tính gần 80% lượng margin các công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư trong năm 2021 đã được thu hồi, và nhà đầu tư cá nhân đã bán gần 80% tổng giá trị mua ròng trong năm 2021.

Hai chỉ số nhận diện sớm sự đảo chiều của dòng vốn ngoại

Trong sự kiện thường niên FiinGroup Invest Summit diễn ra chiều ngày 15/2, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán FiinGroup đã có nhận định về điểm sáng và thách thức của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023.

Theo đó, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán FiinGroup cho biết về bối cảnh vĩ mô, lãi suất được kỳ vọng có thể có dư địa lớn hạ nhiệt trong thời gian tới khi lạm phát dự kiến cũng được dịu bớt. Về mặt bối cảnh thị trường, bà Vân cho biết cần quan sát ba biến số, đó là thanh khoản và margin; nền định giá của thị trường; và dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài.

Thanh khoản giảm 60% so với giai đoạn VN-Index ở vùng đỉnh. (Nguồn: FiinPro Platform).

Với mặt bằng thanh khoản, chỉ số này đang ở mức rất thấp so với giai đoạn VN-Index đạt đỉnh, giảm khoảng 60% trong khi VN-Index giảm khoảng 30%. Với mặt bằng trong 4, 5 tháng vừa qua, bà Vân cho rằng thanh khoản đang đi tìm một mặt bằng mới, đây là điểm tích cực trong bối cảnh dư nợ cho vay margin giảm sâu, ước tính gần 80% lượng margin các công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư trong năm 2021 đã được thu hồi, và nhà đầu tư cá nhân đã bán gần 80% tổng giá trị mua ròng trong năm 2021.

"Trong bối cảnh như vậy chúng tôi thường nói vui rằng thanh khoản thấp nhưng chất, do không bị chi phối nhiều bởi dòng tiền rẻ hay tỷ lệ đòn bẩy cao như giai đoạn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 năm 2020 – 2021", bà Vân cho biết.

Với biến số thứ hai, mặt bằng định giá đã tăng khoảng 20% từ 9,9 lần lên khoảng 11,6 lần sau khi kết quả kinh doanh kém tích cực của các doanh nghiệp niêm yết được công bố cùng với kỳ vọng lãi suất hạ nhiệt.

Rủi ro liên quan đến margin giảm đáng kể.(Nguồn: FiinPro Platform).

Về dòng tiền ngoại, thị trường thời gian vừa qua chứng kiến lực mua ròng mạnh từ khối ngoại hỗ trợ đáng kể đà hồi phục cho cổ phiếu nhóm ngành thép, ngân hàng…, đóng góp phần lớn từ các quỹ ETF, quỹ chủ động. Tuy nhiên, lực mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài hiện đang yếu dần đi và dòng tiền từ quỹ ETF cũng hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, quan sát tỷ trọng tiền mặt ở hai quỹ lớn Dragon Capital và Vina Capital, FiinGroup thấy rằng sau khi tỷ trọng này tăng mạnh vào tháng 10/2022 (giai đoạn thị trường giảm sâu) thì hiện tại đã giảm. Đây cũng là hai chỉ số bà Vân quan sát để sớm nhận diện sự đảo chiều của dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đang giảm dần.(Nguồn: FiinPro Platform).

Điểm sáng và thách thức thị trường chứng khoán năm 2023

Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán FiinGroup đưa ra ba điểm tích cực và hai điểm cần chú ý của thị trường chứng khoán hiện tại.

Điểm tích cực đầu tiên là hầu hết rủi ro về mặt vĩ mô đã được thị trường nhận diện và phản ánh vào giá cổ phiếu, cụ thể có thời điểm VN-Index đã giảm 40 - 42% so với vùng đỉnh; thứ hai là rủi ro nội tại của thị trường liên quan đến vấn đề giải chấp, thanh khoản của thị trường đã giảm đi đáng kể;  thứ ba, thị trường chứng khoán năm 2023 đã khởi đầu với nền định giá ở mức rất thấp, đây là điều trái ngược so với năm 2022, dù có những nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận vẫn chưa được phản ánh vào giá.

 

Nhiều quỹ ngoại (active funds) hạ tỷ trọng tiền mặt.(Nguồn: FiinPro Platform).

"Với nền định giá thấp này, thị trường xuất hiện nhiều cổ phiếu có định giá về vùng thấp hấp dẫn trong khi triển vọng lợi nhuận năm 2023 tích cực. Thực trạng này xảy ra do cổ phiếu của những doanh nghiệp này bị giảm quá đà do sự điều chỉnh của thị trường chung trong giai đoạn vừa qua", bà Vân giải thích.

Về thách thực, nhiều quan điểm đồng ý rằng mặt bằng lãi suất đã gần như đạt đỉnh và có thể sẽ giảm trong thời gian tới, tuy nhiên nhà đầu tư cần quan tâm tới tốc độ giảm lãi suất và xem xét thêm diễn biến lạm phát trong nước và thế giới; rủi ro thứ hai liên quan đến diễn biến dòng tiền của khối ngoại như bà đã trình bày ở trên. 

Diệu Nhi