|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thanh Hóa: Khánh thành nhà máy chế biến sữa gạo lứt và nước dinh dưỡng tế bào mía trị giá gần 450 tỉ đồng

16:30 | 20/10/2020
Chia sẻ
Nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein có công suất 120 triệu hộp/năm, tổng vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng, còn dự án nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía có công suất 120 triệu hộp/năm, với số vốn đầu tư 245 tỉ đồng.

Sáng 20/10, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công ty CP Mía đường Lam Sơn khánh thành nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein và nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía, báo Thanh Hóa đưa tin.

Nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein có công suất chế biến 120 triệu hộp/năm, tổng vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng, sử dụng thiết bị chủ yếu được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản. Sản phẩm đã bắt đầu được sản xuất thương mại từ tháng 10/2020 và đang được tiêu thụ tại 1.000 đại lí trên cả nước.

Còn dự án nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía có công suất 120 triệu hộp/năm, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của Cộng hòa Liên bang Đức với số vốn đầu tư 245 tỉ đồng.

Thiết bị của dây chuyền bắt đầu được lắp đặt từ tháng 12/2019. Dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động, khép kín, cho phép trích li lớp vỏ cây mía tới cấp độ tế bào, giữ các loại vi khoáng, dưỡng chất từ cây mía. Dây chuyền đi vào sản xuất từ đầu tháng 3/2020 và đã cung cấp sản phẩm ra thị trường vào dịp 30/4/ 2020.

Theo đó, Công ty CP Mía đường Lam Sơn dự kiến trong năm đầu đi vào sản xuất sẽ tiêu thụ từ 80 - 100 triệu hộp, doanh thu từ 800 - 1.000 tỉ đồng. Từ năm thứ 2 trở đi phấn đấu sản xuất, tiêu thụ từ 150 - 200 triệu hộp, doanh thu đạt từ 1.500 - 2.000 tỉ đồng, thúc đẩy nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho cây mía, cây lúa, giúp nông dân thâm canh sản xuất lớn.

Thanh Hóa: Khánh thành nhà máy chế biến sữa gạo lứt và  nước dinh dưỡng tế bào mía trị giá gần 450 tỉ đồng - Ảnh 1.

Lễ khánh thành nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein và nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía. (Ảnh: Báo Thanh Hóa).

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết hai nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo thêm cho tỉnh, cho ngành nông nghiệp, công nghiệp 2 sản phẩm mới, góp phần hiện thực hóa chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉn.

Đồng thời khẳng định hướng đi đúng trong chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp; nhất là hướng ưu tiên cho các dự án đầu tư chế biến nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu.

Trong thời gian tới, để các Nhà máy hoạt động hiệu quả, phát huy hết công suất thiết kế, thúc đẩy các cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp gắn với chế biến, nông nghiệp qui mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, ông Quyền đề nghị các sở, ngành cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền các huyện tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công ty triển khai hoạt động sản xuất có hiệu quả.

Như Huỳnh