|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thanh Hóa: Khánh thành nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước trị giá hơn 600 tỉ đồng

16:34 | 19/10/2020
Chia sẻ
Dự án nhà máy sản xuất sợi An Phước có công suất 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với 1.700 tấn sợi gai/năm và 1.400 tấn bông gai/năm, tổng mức đầu tư hơn 600 tỉ đồng.

Ngày 17/10, tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước đã khánh thành nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước, báo Thanh Hóa đưa tin.

Dự án nhà máy sợi dệt An Phước tại Cẩm Tú là dự án gắn trồng trọt và chế biến, gắn nông nghiệp với công nghiệp, được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với công suất 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với 1.700 tấn sợi gai/năm và 1.400 tấn bông gai/năm, tổng mức đầu tư hơn 600 tỉ đồng.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy hoạt động là 6.500 ha thuộc 12 huyện trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai nhằm cung cấp các sản phẩm sợi, dệt cho ngành dệt may, góp phần thực hiện các mục tiêu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách Nhà nước.

Thanh Hóa: Khánh thành nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước trị giá hơn 600 tỉ đồng - Ảnh 1.

Nghi lễ cắt băng khánh thành Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước. (Ảnh: Báo Thanh Hóa).

Thời gian tới, khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động thì nhu cầu về nguyên liệu là rất lớn, đây là yếu tố sống còn để nhà máy phát triển, phát huy hết công suất thiết kế, tạo nguyên liệu ổn định cho nhà máy hoạt động. 

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các huyện vùng nguyên liệu tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ tập trung đất đai trong phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu An Phước triển khai hoạt động sản xuất có hiệu quả nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Doanh,Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng dệt may của Việt Nam. 

Việc khánh thành Nhà máy sán xuất sợi gai An Phước là một điểm nhấn không chỉ đối với tỉnh Thanh Hóa mà còn là động lực để các tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản còn rất nhiều tiềm năng của vùng.

Để nhà máy vận hành hiệu quả và phát triển bền vững, Thứ trưởng đề nghị Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước cần có kế hoạch cụ thể để phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng đủ công suât thiết kế của nhà máy; phối hợp tốt với chính quyền địa phương bảo đảm quyền lợi của người dân tham gia vào vùng sân xuất nguyên liệu. 

Đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm và công bố các giống gai xanh mới.

Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đồng hành, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gai xanh theo đúng qui định của Luật Trồng trọt và các qui định khác về giống cây trồng.

Như Huỳnh

Sếp Vicem Hà Tiên: Giá bán xi măng vào sân bay Long Thành 'rất chua chát'
Lãnh đạo công ty cho biết thường cung cấp 50-100% sản lượng xi măng ở các dự án lớn phía Nam, theo đó kỳ bạn cung cấp ít nhất gần nửa triệu tấn cho siêu dự án này dù giá biên lợi nhuận không cao.