|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tháng 9: Khối tự doanh CTCK đảo chiều bán ròng 680 tỷ đồng cổ phiếu, tâm điểm mua bán nhóm bất động sản

15:20 | 01/10/2022
Chia sẻ
4 tuần giảm điểm liên tiếp của tháng 9 đã lấy đi toàn bộ số điểm hồi phục của VN-Index trong hai tháng trước đó. Trong diễn biến kém sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối ngoại và bộ phận tự doanh đảo chiều bán ròng.

 Diễn biến của VN-Index theo tháng. Nguồn: TradingView.

Tổng quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9, những thông tin được mong đợi như triển khai chu kỳ thanh toán T+2,5, giao dịch lô lẻ không mang lại sự tích cực như ban đầu. Thị trường liên tục trải qua các phiên giảm điểm về cuối phiên, đẩy VN-Index chìm trong sắc đỏ cả 4 tuần của tháng 9.

Đóng cửa tháng, VN-Index ở 1.132,11 điểm, giảm 11,59% so với cuối tháng 8. VN30-Index và HNX-Index mất 11,48% và 14,27% điểm số trong tháng, trong khi đó chỉ số của thị trường UPCoM giảm 8,09%.

Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đồng với sắc đỏ của chứng khoán toàn cầu trong tháng 9. Chứng khoán Nhật Bản giảm 7,67%, tồi tệ hơn chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mất 12,81%. Thị trường chứng khoán lớn nhất toàn cầu là Mỹ cũng giảm 9%.

Trong khu vực Đông Nam Á, hai thị trường chứng khoán Indonesia và Thái Lan giảm 1,92% và 3,02% trong khi chứng khoán Lào ngược dòng tăng hơn 30%.

  Giao dịch theo tháng của khối tự doanh CTCK. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Khối tự doanh CTCK đảo chiều bán ròng gần 680 tỷ đồng cổ phiếu trong tháng 9

Về diễn biến dòng tiền, thanh khoản tháng 9 sụt giảm khi nhà đầu tư giao dịch với trạng thái kém tích cực. Giá trị khớp lệnh bình quân trên thị trường đạt 13.659 tỷ đồng, giảm gần 16% so với tháng 8. Trên thị trường UPCoM, quy mô giao dịch bình quân phiên giảm gần 31% so với tháng 8.

Trong xu hướng giảm điểm của thị trường, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại đảo chiều bán ròng, gia tăng áp lực lên thị trường.

Thống kê cho thấy khối tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều bán ròng 679 tỷ đồng cổ phiếu toàn thị trường sau khi mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng ba tháng trước đó. Việc khối này mua ròng gần 1.700 tỷ đồng tuần cổ phiếu tuần cuối tháng 9 giúp thu hẹp giá trị rút ròng.

Trên sàn HOSE, khối tự doanh bán ròng gần 417 tỷ đồng sau ba tháng mua liên tiếp. Trong ba tuần đầu của tháng 9, khối tự doanh bán ròng gần 2.100 tỷ đồng.

Còn trên sàn HNX, khối tự doanh trở lại bán ròng mạnh hơn 220 tỷ đồng sau khi mua nhẹ hơn 30 tỷ đồng trong tháng 8. Cùng xu hướng, bộ phận tự doanh bán ròng 42 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.

Với giao dịch chứng chỉ quỹ ETF nội, chứng quyền, khối tự doanh mua ròng gần 70 tỷ đồng trong tháng thứ ba tiến tiếp. Quy mô mua ròng giảm đáng kể so với tháng 8 (719,7 tỷ đồng), tháng 7 (446,8 tỷ đồng).

Chứng chỉ quỹ DCVFM VN Diamond (FUEVFVND) dẫn đầu về giá trị mua ròng của khối tự doanh với 357,4 tỷ đồng. Ngược lại, E1VFVN30 bị bán ròng hơn 200 tỷ đồng.

Top10 mã được khối tự doanh mua/bán ròng nhiều nhất tháng 9. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.  

Cổ phiếu nào được mua bán ròng nhiều nhất trong tháng 9?

Chi tiết giao dịch theo từng mã cổ phiếu, 9 mã cổ phiếu bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất trong tháng 9 có tổng giá trị gần 1.400 tỷ đồng. Cổ phiếu MWG của Thế giới Di động dẫn đầu về quy mô bán ròng với gần 242 tỷ đồng. Ngoài MWG, hai mã khác trong rổ VN Diamond cũng bị bán ròng là VPB (134,7 tỷ đồng), PNJ (92,2 tỷ đồng).

Ở nhóm bất động sản, khối tự doanh bán ròng mạnh nhất IDC của Idico với giá trị hơn 238 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu duy nhất trên HNX lọt top bán ròng trên thị trường. Dòng tiền còn rút ra khỏi hai mã bất động sản là DXG (197 tỷ đồng) và NLG (116,2 tỷ đồng).

Cổ phiếu chứng khoán cũng chịu áp lực bán khi thị trường đi xuống, VND và VCI bị khối tự doanh xả 124,6 tỷ đồng và 90,3 tỷ đồng trong tháng 9.

Ở chiều mua vào, cổ phiếu bất động sản là tâm điểm của dòng tiền. Mã NVL của Novaland được mua nhiều nhất với gần 222 tỷ đồng, tiếp đến là VHM (145,3 tỷ đồng), BCM (105 tỷ đồng). Cổ phiếu BCM của Becamex tăng giá trong tháng 9, từng có thời điểm vượt ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu trong phiên.

Ngoài VHM, hai cổ phiếu khác “họ Vingroup” được mua ròng là VIC (94,2 tỷ đồng) và VRE (56,7 tỷ đồng). Một đại diện khác trong nhóm bất động sản là KOS của Kosy cũng được mua 86,8 tỷ đồng.

Ngoài ra dòng tiền từ khối tự doanh còn tìm đến các bluechip như VJC (71 tỷ đồng), VCB (64,3 tỷ đồng) và VNM (64 tỷ đồng).

Hoàng Linh