Tháng 1/2025: Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cao gấp 5 lần cùng kỳ năm trước
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1 có 10 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 83,0 triệu USD, gấp 5,1 lần so với cùng kỳ năm trước và không có dự án điều chỉnh vốn.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 61,6 triệu USD, chiếm 74,2% tổng vốn đầu tư; khai khoáng đạt 18,7 triệu USD, chiếm 22,5%; xây dựng đạt 2,4 triệu USD, chiếm 2,9%.
Trong 8 quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam, Philipin là nước dẫn đầu với 32,7 triệu USD, chiếm 39,4% tổng vốn đầu tư; Indonesia 31,1 triệu USD, chiếm 37,4%; Lào 18,6 triệu USD, chiếm 22,3%.
Trước đó, năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư 164 dự án mới ra nước ngoài và điều chỉnh vốn đầu tư 26 lượt dự án với tổng vốn đạt gần 664,8 triệu USD, tăng 57,7% so với năm 2023.
Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (chiếm 30,2% vốn, trong khi năm 2023 không có dự án nào thuộc ngành này); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 21% vốn, gấp 8,7 lần cùng kỳ); sản xuất phân phối điện (chiếm 14,2%, tăng 12,1% so với năm 2023). Còn lại là các ngành khác.
Có 31 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong năm 2024. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (chiếm 28,8% vốn, tăng 62,2% so với năm 2023); Indonesia (chiếm 20,7% vốn, gấp 227 lần năm 2023); Ấn Độ (chiếm 13,5% vốn, gấp 59,7 lần cùng kỳ);…
Ở chiều ngược lại, trong tháng 1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024. Ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 1,51 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài giảm nhẹ 3% đạt 38,23 tỷ USD, song Việt Nam vẫn đạt kỷ lục giải ngân 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023.