|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tham vọng của Airbus với thị trường máy bay không người lái

18:41 | 22/10/2016
Chia sẻ
Bản thử nghiệm đầu tiên được kỳ vọng bay vào cuối năm 2017. Sau đó, năm 2020, Airbus có thể bắt đầu bán sản phẩm. 

Đại gia máy bay châu Âu vừa vén bức màn về dự án đầy tham vọng có tên Vahana - sản xuất máy bay chở khách không người lái. Trước đó, Airbus đã chia sẻ một số thông tin về máy bay này. Nhưng gần đây, họ mới đăng tải vài hình ảnh ban đầu về nó trên một blog.

Máy bay này có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng. Nó có thanh chống như trực thăng, hai cánh được trang bị mỗi bên 4 động cơ điện. Hành khách ngồi trong khoang vòm có thiết kế như mũ bảo hiểm.

Airbus nổi tiếng với các máy bay phản lực cỡ lớn, như A380. Tuy nhiên, họ cũng đang đổ tiền cho các công nghệ trong tương lai. Airbus có lợi thế mà nhiều hãng khởi nghiệp khác (cũng có ý tưởng tương tự) không có. Đó là vốn và kinh nghiệm.

Họ phát triển Vahana qua A3 - bộ phận được thành lập chính thức năm nay tại San Jose - trung tâm của cộng đồng công nghệ California (Mỹ). Hãng chủ đích tách A3 ra khỏi các mảng sản xuất khác tại châu Âu, Trung Quốc và Mỹ. Ban đầu, Airbus cam kết đổ vốn 150 triệu USD cho bộ phận này.

"Loại máy bay chúng tôi đang phát triển không cần đường băng, có thể tự lái, tự phát hiện và tránh vật cản hoặc máy bay khác", Giám đốc A3 - Rodin Lyasoff cho biết, "Nó được thiết kế chỉ để chở một hành khách hoặc hàng hóa mà thôi. Chúng tôi muốn nó trở thành máy bay chở khách không người lái đầu tiên được chứng nhận".

Bản thử nghiệm đầu tiên được kỳ vọng bay vào cuối năm 2017. Sau đó, năm 2020, Airbus có thể bắt đầu bán sản phẩm.

Airbus không phải tên tuổi lớn duy nhất lấn sân sang mảng này. Các hãng ôtô như Toyota hay Honda đều đang tìm cách tấn công mảng hàng không. Honda đã ra mắt máy bay riêng đầu tiên năm 2015, sau 3 thập kỷ nghiên cứu.

Airbus đang tìm cách sử dụng động cơ chạy pin để thiết bị có thể hoạt động theo yêu cầu. Dĩ nhiên, việc không có người lái cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về an toàn. Airbus cho biết công nghệ "cảm biến và tránh vật cản" sẽ được dùng để ngăn các va chạm trên không, và dù cũng sẽ được trang bị nếu động cơ máy bay hỏng.

Theo Hà Thu