|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT bị StockX làm 'mờ mắt' sau chuỗi ngày thua lỗ đang có nguy cơ mất cả chì lẫn chài vì không thể rút tiền trên ứng dụng vô chủ

12:22 | 29/06/2022
Chia sẻ
Với nhiều chi tiết bất thường được đưa ra, nhiều chuyên gia cho rằng, những người tham gia vào ứng dụng StockX sẽ khó lấy lại được tiền, khi không rõ ai là chủ của ứng dụng.

Phóng sự gần đây của VTV Digital cho thấy nhiều nhà đầu tư được mời gọi vào một group đầu tư gọi là “StockX”, cho phép mọi người giao dịch trong ngày T+0. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu bất thường, nhiều nhà đầu tư đang đứng trước nguy cơ mất cả chì lẫn chài.

Cụ thể, vì thua lỗ chứng khoán cơ sở, một người đàn ông đã chuyển 250 triệu đồng sang đầu tư chứng khoán tại ứng dụng StockX để mong gỡ gạc lại. Đầu tư 1 tuần, ứng dụng đã hiển thị thông báo có mã chứng khoán lãi tới 196%. Người này định rút tiền ra, nhưng ứng dụng mang tên Stock X lại không cho rút.

"Được tư vấn sang StockX với lợi nhuận tối thiểu là 200%, có thể 600% hoặc hơn nữa. Cuối cùng mất cả chì lẫn chài vì hiện tại tiền cả lãi và gốc đều không rút được ra", người dùng của ứng dụng StockX cho hay.

Không rút được tiền, nhiều nhà đầu tư đã liên hệ với các môi giới của ứng dụng StockX thì lại được yêu cầu nạp thêm 20% tiền phí mới cho rút tiền.

(Ảnh chụp màn hình).

"Nạp thêm 20% tổng số tiền thì người ta mới cho mình rút, nhưng đến bây giờ là mình đã nhận ra là như thế là mình đã bị lừa. Vì nếu như thế, tại sao người ta không giữ lại 20% trong số đó để trả cho mình số tiền còn lại mà người ta bắt mình nạp thêm.

Thậm chí có một chị ở Đắk Nông có số tiền gốc là 1,8 tỷ mà không rút được tiền ra. Người của họ cũng nhắn cho chị và bắt nạp vào thêm 360 triệu mới được rút tiền ra. Số tiền của chị rất lớn. Khi chị nạp vào 360 triệu thì họ vẫn không cho rút”, một người dùng khác của ứng dụng StockX chia sẻ.

Sợ mất tiền, các nhà đầu tư tham gia ứng dụng StockX mới vội vàng lần tìm các thông tin trong bản hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu đã được môi giới ứng dụng StockX gửi cho trước đây. Trong bản hợp đồng có ghi rõ bên chuyển nhượng là Công ty TNHH Sequoia, theo giấy phép đăng ký kinh doanh có địa chỉ tại 97, Mễ Trì Thượng, Hà Nội.

(Ảnh chụp màn hình).

Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên VTV, đại diện của Công ty Sequoia cho biết đã bị ứng dụng StockX mạo danh. Giấy đăng ký kinh doanh của công ty cũng bị ứng dụng này chỉnh sửa rồi đăng lên mạng nhằm lừa đảo nhà đầu tư. Theo giấy phép kinh doanh, Sequoia chỉ hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, không có liên quan gì đến lĩnh vực chứng khoán.

Theo các chuyên gia, với các chi tiết bất thường kể trên, những người tham gia vào ứng dụng StockX này sẽ khó lấy lại được tiền, khi không rõ ai là chủ của ứng dụng. Khi nhà đầu tư giao dịch mua bán trên app này, các lệnh mua - bán không hề được đẩy vào thị trường mà chỉ giao dịch trên các thông tin của app. Thậm chí chủ sàn của app này có thể mua bán khớp lệnh của nhà đầu tư nên rủi ro rất lớn. Do đó, khi xảy ra sự cố gì đó, nhà đầu tư không hoàn toàn có thể đòi lại tiền của mình.

Gọi cho môi giới không được, không còn cách nào những người tham gia vào ứng dụng StockX chỉ còn cách gửi đơn lên cơ quan công an. Trong khi đó, hiện nay các môi giới của ứng dụng StockX vẫn đang miệt mài lập thêm nhiều nhóm Zalo, Telegram khác nhau để tiếp tục lôi kéo thêm các nhà đầu tư mới.

Có thể thấy việc thị trường đi xuống trong thời gian gần đây và tài khoản nhà đầu tư bốc hơi hàng chục phần trăm giá trị đã khiến nhiều người bị tâm lý ăn thua chi phối. Tâm lý nóng vội muốn gỡ nhanh, làm giàu nhanh đã khiến nhà đầu tư nằm trong tầm ngắm của những trò lừa đảo với những lời hứa hẹn hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace, bản chất cốt lõi của đầu tư nắm giữ hai yếu tố vô cùng quan trọng “luật pháp phải tuân thủ” và “giấy phép hành nghề”.

Ở đây, chúng ta đối mặt với rủi ro lưu ký khi tài sản không được nằm ở đúng chỗ. “Chúng ta không thể gửi tiền cho một công ty chúng ta không biết vị trí làm việc của công ty. Tiếp theo, kể cả sau khi bạn đã nghe tư vấn, cũng chú ý việc hỏi giấy phép hành nghề, nếu người tư vấn không thể làm sáng tỏ tính minh bạch trong giấy phép của họ, bạn nên cảnh giác và thận trọng nhiều hơn", ông Tuấn Anh chia sẻ.

Trước tình trạng nhiều nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin, bị “mờ mắt” trước lời hứa hẹn lãi suất một năm lên tới 600%, chuyên gia này nhấn mạnh lãi suất có hai loại, một là lãi suất cố định (fixed income), nếu chúng ta lựa chọn lãi gửi tiết kiệm là cơ sở 6 - 7%, tuy nhiên, khi bạn nghe tới lãi suất cố định, không rủi ro hàng mấy trăm phần trăm, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định đây là app lừa đảo.

Loại thứ hai là kinh doanh rủi ro, chuyên viên tư vấn có thể sẽ thuyết phục bạn đầu tư cùng họ một mã chứng khoán, nếu họ không ngừng khẳng định việc đầu tư này chắc chắn thắng, chúng ta cũng cần cân nhắc đến việc đang bị lừa, và cũng có thể đặt câu hỏi với người tư vấn rằng khi xảy ra rủi ro chúng ta có thể thua lỗ đến bao nhiêu phần trăm?

Mới đây, UBCKNN có một số khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc khi tham gia vào các hội nhóm trên các không gian mạng xã hội, tránh bị lôi kéo, dẫn dắt dẫn tới thiệt hại không đáng có.

Trước khi giao dịch, nhà đầu tư nên tìm hiểu, kiểm chứng thật kỹ lưỡng thông tin dựa trên các kênh chính thống của các cơ quan chức năng, từ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán được cơ quan quản lý cấp phép.

Thu Thảo