|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

ThaiBev cậy nhờ 'ngọc quý' Sabeco trên thị trường bia Đông Nam Á, vẫn đóng băng kế hoạch niêm yết BeerCo

07:23 | 28/09/2022
Chia sẻ
ThaiBev, nhà sản xuất đồ uống lớn nhất Thái Lan đã đặt ra mục tiêu quay trở lại ngôi vương trên thị trường bia Đông Nam Á nhờ Sabeco, đơn vị đang chiếm khoảng 40% thị trường bia Việt Nam.

Tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev), công ty đồ uống lớn nhất Thái Lan và một trong những công ty đồ uống lớn nhất Đông Nam Á, sẽ không để tuột mất "viên ngọc quý" của mình là Nhà máy bia Sài Gòn (Sabeco) của Việt Nam, đặc biệt khi lượng tiêu thụ bia đang phục hồi ở một trong những nền kinh tế bùng nổ trong khu vực, theo Asia Nikkei.

Cụ thể, ngày 27/9, gã khổng lồ ngành đồ uống Thái Lan đã tìm cách dập tắt những tin đồn đã xảy ra kể từ khi mua lại Sabeco vào năm 2017. Tại cuộc họp báo thường niên của công ty, các Giám đốc điều hành cho biết ThaiBev đang ở vị thế tốt để giành lại vị trí dẫn đầu ở Đông Nam Á thông qua Sabeco, công ty chiếm khoảng 40% thị trường bia Việt Nam.

Thapana Sirivadhanabhakdi, Giám đốc điều hành của ThaiBev Group cho biết: “Đó là viên ngọc quý của chúng tôi, một tài sản quý hiếm trong số tất cả các tài sản liên quan tới ngành sản xuất bia trong khu vực”.

Đại hội thường niên mới được ThaiBev tổ chức. (Ảnh: Asia Nikkei).

Việt Nam là thị trường bia lớn nhất Đông Nam Á, trị giá 26 tỷ USD vào năm 2021 và đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản. ThaiBev đã mua lại 54% cổ phần của Sabeco với giá 4,8 tỷ USD vào năm 2017.

Việc mua lại Sabeco đã biến ThaiBev trở thành nhà sản xuất bia lớn nhất khu vực về khối lượng, nhưng vẫn phải gánh chịu chi phí cao và lợi nhuận thấp trong vài năm đầu tiên do Sabeco phải vật lộn với vấn đề quản lý chi phí và năng suất kém khi nhà nước thoái vốn tại công ty.

Các Giám đốc điều hành cho biết ThaiBev đã tiết kiệm thời gian bằng cách đầu tư vào quản lý chi phí và số hóa các cơ sở sản xuất của Sabeco. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn nắm 36% cổ phần của Sabeco. Các nhà đầu tư nước ngoài khác nắm giữ 10% còn lại.

Ông Michael Chye Hin Fah, Giám đốc điều hành hãng bia BeerCo, cho biết ThaiBev không muốn mua lại cổ phần của SCIC. Trong khi đó, bà Thapana chia sẻ: “Nếu có nhiều thanh khoản hơn trên thị trường, điều đó chắc chắn sẽ giúp cải thiện định giá tổng thể cho Sabeco”.

BeerCo có trụ sở tại Singapore, chuyên sản xuất và bán các thương hiệu như bia Chang của Thái Lan, bia mang phong cách Đức cao cấp Federbrau và Archa trong phạm vi ngân sách của công ty. Các thương hiệu Việt Nam là Bia Sài Gòn và 333, có được thông qua việc mua lại Sabeco, cũng thuộc BeerCo.

Công ty sẽ không vội vàng niêm yết BeerCo tại Singapore cho đến khi điều kiện thị trường ổn định, theo xác nhận từ ban lãnh đạo doanh nghiệp. ThaiBev đã công bố kế hoạch vào tháng 2/2021 để bán 20% cổ phần của mình thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng nhằm mục đích huy động 2 tỷ USD. Tuy nhiên, kế hoạch này đã đóng băng chỉ sau hai tháng.

Koh Poh Tiong, Chủ tịch hội đồng quản trị tại BeerCo và Sabeco cho biết: “Chúng tôi không chuẩn bị để bán nó với mức giá chiết khấu”.

Giá cổ phiếu của ThaiBev trên Sàn giao dịch Singapore đã tăng 1,61% sau cuộc họp báo giữa trưa 27/9, nhưng vẫn giảm tổng thể 4,55% kể từ đầu năm. Doanh thu của tập đoàn tăng 8,2% lên 207,9 tỷ baht (5,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn 9 tháng kết thúc vào tháng 6. EBITDA của ThaiBev tăng 6,7% lên 39,1 tỷ baht trong cùng giai đoạn này.

Ông Thapana cảnh báo, lạm phát và đồng baht giảm giá có thể khiến việc nhập khẩu mạch nha và nhôm trở nên đắt đỏ hơn. Ông cũng nói rằng chi phí lao động sẽ tăng từ tháng 10 khi Thái Lan dự kiến ​​tăng lương tối thiểu ít nhất 5% lên 328 baht mỗi ngày.

Giống với nhiều nhà sản xuất nước giải khát khác, ThaiBev cũng phải đối mặt với các vấn đề như lũ lụt và thiếu nước. Công ty sử dụng từ 15 đến 20 triệu mét khối nước hàng năm chỉ riêng tại các cơ sở sản xuất ở Thái Lan, tính đến năm 2020. Mức thuế tiêu thụ nước của Thái Lan có thể làm tăng chi phí từ 70 triệu baht lên 140 triệu baht.

ThaiBev đã sử dụng cuộc họp báo thường niên để khởi động chiến lược phát triển bền vững của mình, hướng tới mục tiêu không phát thải ròng và bổ sung đầy đủ nguồn nước ngầm được sử dụng trong các hoạt động của mình vào năm 2040.

Tongjai Thanachanan, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh bền vững của công ty cho biết 1/3 đội xe của ThaiBev sẽ được thay thế bằng xe điện trong hai năm tới.

ThaiBev và BeerCo là các bộ phận của tập đoàn TCC Group, được thành lập bởi Charoen Sirivadhanabhakdi. Charoen được xếp vào danh sách người giàu thứ hai ở Thái Lan với khối tài sản ròng trị giá 10,8 tỷ USD tính đến ngày 27/9, theo tạp chí Forbes.

Anh Nguyễn