Thái độ khiêm tốn của 4 CEO quyền lực nhất giới công nghệ Mỹ trước các nghị sĩ
David Heinemeier Hansson, người đồng sáng lập công ty Basecamp, cảm thấy mãn nguyện sau khi xem phiên điều trần của 4 vị tổng giám đốc quyền lực nhất giới công nghệ Mỹ hôm 29/7, theo CNBC.
"Nói thật, tôi cảm thấy xúc động", Heinemeier Hansson thổ lộ. Công ty của anh là đối tượng trung tâm trong tranh cãi ầm ĩ với Apple về qui định của kho ứng dụng App Store.
Đối với Heinemeier Hansson, người từng giải thích trước các nghị sĩ Hạ viện Mỹ về ảnh hưởng tiêu cực của các tập đoàn công nghệ lớn đối với các startup, buổi điều trần hôm 29/7 đã vượt quá kì vọng của anh. Trong những lần điều trần trước đó, tỉ phú Mark Zuckerberg, người điều hành Facebook, là mục tiêu duy nhất của các nghị sĩ, song các nhà lập pháp lại không chuẩn bị kĩ câu hỏi và lí luận để chất vấn anh.
Hôm 29/7, trong phiên điều trần trước Tiểu ban Chống độc quyền của Hạ viện Mỹ, Tổng giám đốc điều hành 4 tập đoàn công nghệ Mỹ - gồm Mark Zuckerberg, Sundar Pichai, Jeff Bezos và Tim Cook đều tỏ ra bối rối khi các nghị sĩ hỏi về khả năng lạm dụng sức mạnh của tập đoàn để triệt hạ đối thủ yếu hơn.
Khác với những lần điều trần trước, các nghị sĩ chuẩn bị rất kĩ, từ câu hỏi đến chứng cứ. Những câu hỏi mà Tiểu ban Chống độc quyền nêu ra đều rất cụ thể, sát thực tế và tập trung vào những vấn đề mà dư luận đang quan tâm.
Chẳng ai ngạc nhiên khi câu trả lời từ các tổng giám đốc khá mơ hồ, như "Chúng tôi không lớn đến vậy", "Cạnh tranh là chiến trường khốc liệt" hay "Khách hàng yêu quý chúng tôi".
Sundar Pichai, người điều hành Google, là người đầu tiên trả lời chất vấn. Nghị sĩ David Cicilline, trưởng Tiểu ban Chống độc quyền hỏi rằng liệu Google có sử dụng dữ liệu giám sát lưu lượng truy cập website để xác định đối thủ tiềm năng hay không.
"Chúng tôi cố gắng nắm bắt xu hướng từ các dữ liệu mà chúng ta có thể thấy", Pichai trả lời khá vòng vo, không hướng tới câu hỏi.
Nữ nghị sĩ Pramila Jayapal chất vấn tỉ Jeff Bezos về tình trạng sử dụng dữ liệu của bên bán thứ ba. Người giàu nhất thế giới nói rằng Amazon có chính sách cấm sử dụng dữ liệu từ người bán để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, nhưng "không thể cam kết nó chưa từng bị vi phạm".
Bezos nói rằng ông từng đọc báo cáo về tình trạng vi phạm những chính sách ấy, không hài lòng vì chưa thể đi đến tận cùng vấn đề.
"Tôi sẽ xem như ông không phủ nhận thực tế đó", nghị sĩ Jayapal nói.
Rồi nữ nghị sĩ hỏi Mark Zuckerberg về nghi vấn Facebook từng sao chép tính năng của đối thủ. "Hiển nhiên chúng tôi tích hợp những tính năng mà ứng dụng khác đã có", Zuckerberg trả lời.
Lucy McBath, nghị sĩ từ bang Georgia, đã hỏi Tim Cook về việc Apple gỡ ứng dụng đọc sách của Random House khỏi App Store sau khi nhà xuất bản ấy từ chối hợp tác với iBookstore (kho sách của Apple). Tim Cook biện minh rằng Apple gỡ một ứng dụng vì muôn vàn lý do.
"Có thể ứng dụng đó không hoạt động đúng cách, hoặc vì một số nguyên nhân khác", ông giải thích.
Dựa vào câu trả lời của Cook và bằng chứng trong tay, McBath nói rằng Apple đã lợi dụng quyền lực để hãm hại đối thủ.
"Về cơ bản, hành động đó không công bằng", McBath thẳng thắn phê phán.
Gene Kimmelman - cố vấn tổ chức Tri thức Công cộng tại Washington (Mỹ), nói rằng các câu trả lời của 4 vị tổng giám đốc chứng tỏ họ đã tận dụng mọi dữ liệu thu thập để theo dõi đối thủ và người dùng. Vậy nên dù không muốn thừa nhận, họ cũng không thể phủ nhận những hành vi sai.
"Hiện tượng trả lời vòng vo cho thấy hoạt động của các tập đoàn công nghệ thực sự có vấn đề", Gene bình luận.