Thách thức xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ
Tín hiệu mừng cho tôm và cá tra | |
Thị trường tôm thế giới: Liệu có thể dư cung? |
Ảnh minh họa |
Bước sang năm 2018, XK tôm sang Mỹ đã có dấu hiệu khả quan hơn. Giá trị XK tôm sang thị trường này trong tháng đầu tiên của năm 2018 tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Hai tháng đầu năm 2018, XK tôm sang Mỹ đạt 75 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ đã vươn lên vị trí thứ 2 sau EU về NK tôm từ Việt Nam.
Theo số liệu của Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), NK tôm của Mỹ năm 2017 tăng trưởng tốt cả về khối lượng và giá trị.
Bước sang năm 2018, NK tôm vào Mỹ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong tháng 1/2018, NK tôm vào Mỹ đạt 61.716 tấn, trị giá 593,2 triệu USD, tăng 20% về khối lượng và 22% về giá trị.
Tại Mỹ, tiêu thụ trong nước khả quan, niềm tin người tiêu dùng cao và triển vọng kinh tế ở mức tích cực. Do vậy, nhu cầu NK và tiêu thụ tôm của Mỹ từ năm 2017 đến nay vẫn tốt.
Tôm thịt nguyên liệu đông lạnh (HS0306170040) là sản phẩm được NK nhiều nhất vào Mỹ. NK mặt hàng này trong tháng 1/2018 tăng trưởng tốt 35% và 37% lần lượt về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Ấn Độ là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, chiếm 34% tổng giá trị NK tôm của Mỹ. Indonesia và Thái Lan lần lượt giữ vị trí thứ 2 và 3 với thị phần lần lượt 20% và 10,3%. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4, chiếm 8% tổng giá trị NK tôm vào Mỹ.
Trong 5 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, NK tôm từ Ấn Độ vào Mỹ tăng trưởng mạnh nhất với 49% và 53% lần lượt về khối lượng và giá trị, duy nhất NK từ Thái Lan giảm 16% và 6% lần lượt về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Thị phần tôm Ấn Độ trên thị trường Mỹ từ đầu năm 2017 đến nay liên tục tăng. Năm 2017, Ấn Độ gặp khó khăn tại thị trường EU nên tập trung đẩy mạnh XK sang Mỹ. Trên thị trường Mỹ, Ấn Độ có nhiều lợi thế hơn các nhà cung cấp khác như được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp nhất so với Việt Nam và Thái Lan. Giá thành sản xuất tôm Ấn Độ thấp hơn Việt Nam nên giá XK sang Mỹ cũng thấp hơn Việt Nam. Đây là yếu tố chính giúp nâng cao sức cạnh tranh của tôm Ấn Độ trên thị trường Mỹ.
Tại thị trường Mỹ, Ấn Độ vẫn đang được hưởng lợi từ các chương trình trợ cấp XK dành cho các nước đang phát triển. Nhưng mới đây Mỹ đã đệ đơn kiện Ấn Độ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do các chương trình trợ cấp XK áp dụng cho các nước phát triển không còn được áp dụng với Ấn Độ tuy nhiên Ấn Độ vẫn đang được hưởng lợi từ các chương trình này.
Các chương trình trợ cấp XK này ảnh hưởng xấu tới nông dân của Mỹ do tạo ra sân chơi không bình đẳng và họ sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn.
XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong thời gian tới được đánh giá sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngày 8/3/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016- 31//1/2017). Mức thuế lần này quá cao so với những lần công bố trước đó.
VASEP và các DN tin rằng DOC đã có sự nhầm lẫn trong tính toán biên độ và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ trong thời gian sớm nhất.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật ngân sách 2018 trị giá 1,3 nghìn tỷ. Theo một điều khoản trong dự luật này, Cục Nghề cá biển Quốc gia (NMFS) sẽ có 9 tháng để áp dụng Chương trình Giám sát Thủy sản NK (SIMP) cho tôm và bào ngư. Theo đó, tôm NK vào Mỹ sẽ phải tuân thủ các quy định mới về lưu trữ hồ sơ.
Như vậy, không chỉ phải chịu thuế chống bán phá giá cao, các DN XK tôm vào Mỹ còn phải đối mặt với những chính sách nghiêm ngặt của Mỹ nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước. Từ nay đến khi chương trình SIMP được áp dụng với tôm, các DN XK phải đảm bảo chất lượng ổn định và chú trọng công tác lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm để duy trì XK sang thị trường này.