|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thách thức từ bẫy gia công

07:21 | 23/01/2017
Chia sẻ
Hơn 70% miếng bánh xuất khẩu của Việt Nam nằm trong tay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi doanh nghiệp nội lại chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang là rào cản cho sự phát triển

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 175,9 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm trước. Trong đó, riêng khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã xấp xỉ 126 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Lượm bạc cắc!

TS Lê Đăng Doanh nhận xét vài năm trước, khi đóng góp của khu vực FDI vào thành tích xuất khẩu mới khoảng 50%, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo cần giải pháp cải thiện DN trong nước. Tuy nhiên, đến giờ, khi tỉ lệ này đã lên tới 70% thì DN nội vẫn tham gia quá thấp trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Xuất khẩu nhiều năm qua đóng góp rất lớn cho nền kinh tế với mức tăng trưởng 2 con số và nhiều ngành xuất khẩu tỉ đô. Nếu năm 2001, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 15 tỉ USD thì 10 năm sau đã lên 96,9 tỉ USD, tăng 34,2% và đến cuối năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu của cả nước đạt 175,9 tỉ USD. Thành tích này phần lớn thuộc khu vực FDI với xu hướng ngày càng lấn át DN trong nước.

DN nội chủ yếu làm gia công hàng xuất khẩu từ dệt may, da giày, đồ gỗ… Với mặt hàng dệt may, năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu là 28,5 tỉ USD, tăng 5,6% so với năm trước. Đây là năm dệt may Việt Nam có kim ngạch tăng trưởng thấp và không đạt mục tiêu đề ra sau nhiều năm tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, phần lớn DN nội trong ngành dệt may chỉ làm gia công với giá trị gia tăng rất thấp.

thach thuc tu bay gia cong
Ngành dệt may Việt Nam chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng thấp (Ảnh: Tấn Thạnh)

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt May Thắng Lợi, cho biết tất cả sản phẩm trên thị trường nội địa của Thắng Lợi đều do công ty tự thiết kế, sản xuất và phân phối. Riêng hàng xuất khẩu thì vẫn phải gia công cho đối tác nước ngoài. Theo ông Hòa, khó nhất đối với các DN xuất khẩu dệt may là không có nguồn nguyên phụ liệu nên phải nhập khẩu. Ngành thiết kế thời trang của Việt Nam cũng chưa mạnh nên mẫu mã sản phẩm không hấp dẫn khách hàng.

Cũng vì gia công, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu nên một cái áo xuất khẩu giá 10 USD, nguyên phụ liệu đã chiếm khoảng 8,5 USD, gia công chỉ còn 1,5 USD. “Trong 1,5 USD tiền công DN nhận được có hàng loạt chi phí như thuế, phí, nhân công… nên lợi nhuận chỉ còn khoảng 10%. Nói DN dệt may lượm bạc cắc cũng không sai” - ông Hòa nhìn nhận.

Ngay cả những ngành được đánh giá công nghệ cao như điện, điện tử, điện thoại thực chất cũng chủ yếu là gia công và DN nội đóng góp ở mức thấp nhất trong chuỗi giá trị. Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, một nghiên cứu mới đây của nhóm chuyên gia Fulbright tổng kết quá trình 10 năm Intel vào Việt Nam cho thấy những kết quả bất ngờ. Cụ thể, trong tổng giá trị xuất khẩu của Intel, DN Việt chỉ chiếm khoảng 3%, gồm các công đoạn: cung cấp suất ăn, một số hộp quà tặng, dịch vụ bảo vệ… Đây là những khâu mà Intel không thể nhập khẩu!

“Trong trường hợp này, công nghệ cao không hiển nhiên là giá trị gia tăng cao. Vấn đề cuối cùng vẫn là không thoát được gia công, như dệt may tăng trưởng mạnh nhưng phân phối hiện chủ yếu thuộc về các công ty lớn, khu vực FDI nên giá trị đem lại rất thấp. Hình thức có thể khác nhưng bản chất không thay đổi vì nền kinh tế bị kẹt trong “bẫy” gia công, “bẫy” giá trị thấp nếu chúng ta không giải quyết được” - ông Vũ Thành Tự Anh phân tích.

Dồn lực cho doanh nghiệp nội

Tại hội nghị bàn tròn Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam mới đây, GS Trần Văn Thọ, ĐH Waseda (Nhật Bản), cũng cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tránh được “bẫy” gia công khi tham gia chuỗi giá trị là một thách thức không nhỏ. Đây là mối quan tâm, trăn trở của các nhà hoạch định chính sách.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc quá phụ thuộc vào khu vực FDI sẽ rất đáng ngại khi những lợi thế của nền kinh tế không còn, dòng vốn FDI có thể dịch chuyển sang nước khác. Điều này đang diễn ra với ngành dệt may khi đơn hàng xuất khẩu dịch chuyển sang Campuchia, Bangladesh… Kết quả là dệt may năm qua chỉ tăng trưởng 4,6%, không đạt mục tiêu đề ra. Việc chỉ riêng Samsung đã chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu cả nước với mặt hàng điện thoại và linh kiện, nếu xuất khẩu của DN này sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch chung của cả nước.

Từ vài năm trước, khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng trưởng mạnh và ngày càng lấn lướt khu vực nội địa, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo nguy cơ này. Nhưng đến giờ, “bẫy” gia công vẫn là thách thức không nhỏ cho nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh nhận xét kinh tế Việt Nam từ nhiều năm nay đã là gia công và nếu không có những hành động cụ thể thì rất khó để thoát ra. Trong vài năm qua, xuất khẩu của khu vực FDI tăng khoảng 20 điểm % nhưng giá trị gia tăng chỉ tăng thêm 3-4 điểm %. Các sản phẩm “made in Vietnam” thực chất chỉ có lắp ráp, sử dụng sức lao động giá thấp…, DN nội lại tham gia quá thấp trong chuỗi cung ứng.

Muốn cải thiện tình trạng này, theo TS Lê Đăng Doanh, chính sách cần phải tập trung hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam (vốn đem lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế) lên quy mô lớn hơn, các nông sản sạch có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, cần tập trung cho ngành công nghiệp hỗ trợ để DN tư nhân có thể tham gia chuỗi sản xuất của các tập đoàn như Samsung, Intel. “Phải tạo ra động lực để hướng DN tư nhân vào sản xuất, chứ không phải kiếm lợi nhuận thông qua nhóm lợi ích, đầu tư vào bất động sản, khai thác tài nguyên…” - ông nhấn mạnh.

Cụ thể, như câu chuyện về thuế, TS Bùi Trinh phân tích: Có 2 loại thuế mà DN FDI được hưởng thuế suất 0%. Với thuế suất này, họ vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trong khi đó, nhiều DN Việt Nam dù thuộc diện miễn thuế nhưng thực tế vẫn phải nộp thuế GTGT đầu vào nên rất thiệt thòi. Ngay cả các ngành như sản xuất nông nghiệp vẫn phải nộp thuế GTGT đầu vào thì làm sao cạnh tranh và phát triển?

“Chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với khu vực DN trong nước có thể bắt đầu bằng những điều cụ thể nhất như giảm thuế, xem xét lại chính sách thuế để công bằng hơn cho cả DN FDI và DN nội địa” - TS Bùi Trinh đề xuất.

Không dễ thoát cảnh gia công

Với lĩnh vực dệt may, nhiều DN cho rằng muốn “thoát” cảnh gia công cũng không dễ khi ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, không có vùng nguyên phụ liệu và DN trong nước cũng không đủ nguồn lực để đầu tư cho khâu dệt, nhuộm nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước. Việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị gác lại cũng khiến DN dệt may Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về đơn hàng so với DN Campuchia, Bangladesh... Bởi lẽ, DN các nước này xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ được hưởng thuế suất 0%, trong khi DN Việt chịu khoảng 17%.

“Dù năng lực DN Việt nhỉnh hơn nhưng làm sao hạ giá thành xuống khoảng 17% để cạnh tranh với các đối thủ là bài toán rất khó” - ông Ngô Đức Hòa nhìn nhận.

Thái Phương

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.