|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thách thức lớn nhất của tài chính số tại Việt Nam là nhận thức của người dùng còn hạn chế

20:57 | 06/12/2017
Chia sẻ
Tài chính số Việt Nam đối mặt với thách thức về vốn, nhân lực và hành lang pháp lý. Tuy nhiên thách thức lớn nhất lại chính là nhận thức của khách hàng về giao dịch qua ngân hàng số còn hạn chế.
thach thuc lon nhat cua tai chinh so tai viet nam la nhan thuc cua nguoi dung con han che
Tài chính số tại Việt Nam có nhiều cơ hội và thách thức (Ảnh: Diệp Bình)

Tiềm năng tài chính số tại Việt Nam

Ngày 6/12, trong sự kiện Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2017 (VRBF 2017), Việt Nam được nhận định là thị trường đầy tiềm năng để phát triển tài chính số với dân số trẻ, 62% người dùng Internet tham gia mua sắm online; 39% dân số trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2017, thanh toán qua mã QR đã tăng 120% với 5.000 điểm thanh toán qua mã QR và dự kiến đến hết năm 2018 sẽ đạt 50.000 điểm.

Theo khảo sát của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Việt Nam) năm 2017 các giải pháp về ngân hàng điện tử đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Số lượng người sử dụng e-banking đã tăng từ 21% năm 2015 lên 81% trong năm 2017. Bên cạnh đó các giải pháp e-banking tại VN vẫn còn nhiều nhược điểm như phí giao dịch cao, lỗi giao diện và dịch vụ chắm sóc khiến khách hàng chưa thực sự hài lòng.

Các giải pháp Fintech cũng đang càng được ưa chuộng tại Việt Nam bởi tính tiện lợi và các giải pháp bảo mật hiện đại. Khuôn khổ pháp lý của ngân hàng số cũng có một số bước khởi đầu với đề án 1726 về tiếp cận dịch vụ ngân hàng; đề án 2545 về thanh toán không dùng tiền mặt; quy định về an toàn công nghệ thông tin (CNTT),…Hiện NHNN cũng đang dự thảo quy định về điện toán đám mây và đã thành lập ban chỉ đạo Fintech.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và số hoá trong dịch vụ ngân hàng cá nhân của các công ty Fintech tại thị trường Việt Nam đang đặt các ngân hàng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn trước cách mạng công nghệ 4.0.

Cách mạng 4.0 làm tăng cơ hội trải nghiệm của khách hàng

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội cho hệ thống ngân hàng. Trong đó, cơ hội lớn nhất là làm tăng trải nghiệm của khách hàng vì khách hàng là trọng tâm của ngân hàng.

Theo khảo sát từ Mckinsey & Co cách mạng 4.0 có thể giảm 30 – 80% chi phí giao dịch và quản lý. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ phát triển và cung cấp sản phẩm dịch vụ với chất lượng cao hơn; tăng năng suất quản trị điều hành, hoạch định chiến lược, tăng năng suất lao động.

Cùng với đó, nó cũng làm tăng khả năng kết nối và chia sẻ giữa ngân hàng với các định chế tài chính khác như Fintech và mở ra những cơ hội kinh doanh mới dựa trên công nghệ số (như thương mại điện tử, tài chính số,…). Ứng dụng công nghệ giúp ngân hàng tăng khả năng tham gia chuỗi các giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái điện tử kết hợp tài chính, y tế, bảo hiểm,…

Theo ước tính của BCG thì đến năm 2018, kinh doanh dùng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu của ngân hàng (năm 2014 là 32%) và dự kiến tới năm 2020 phần lớn các giao dịch có thể sẽ được thực hiện bằng hình thức online. Tài sản do các chuyên gia tư vấn tự động quản lý sẽ tăng 68%/năm lên đến 2.200 tỷ đồng (theo AT Kearney 2015) và 60% đầu tư công nghệ thông tin thuộc diện điện toán đám mây(theo IDC 2015).

Thách thức lớn nhất là nhận thức của khách hàng về ngân hàng số

Việc mở ra nhiều cơ hội cho ngành tài chính ngân hàng, cách mạng 4.0 cũng mang đến những thách thức không tránh khỏi.

Ứng dụng công nghệ mới đòi hỏi các ngân hàng cần phải thay đổi về mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức, phương thức quản trị và hơn hết là sự đòi hỏi về vốn đầu tư cơ sở vật chất, hệ thông công nghệ thông tin (CNTT). Quá trình thay đổi này cũng sẽ cắt giảm và sàng lọc nhân sự, trong khi đó nguồn nhân sự chất lượng cao, chuyên gia về CNTT còn thiếu và yếu. Cùng với đó, các rủi ro từ CNTT cũng tăng, cạnh tranh cũng trở nên khốc liệt hơn.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng thách thức mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt trước tiên tại Việt Nam là nhận thức của khách hàng về giao dịch qua ngân hàng số và các quy định về pháp lý về vấn đề này còn hạn chế.

Ông đưa ra hai giải pháp trọng tâm cho vấn đề ứng dụng cách mạng 4.0 vào lĩnh vực ngân hàng. Thứ nhất là xây dựng chiến lược mới về ngân hàng số; Thứ hai là không quên đầu tư vào 3 yếu tố là nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin, biện pháp bảo mật.

Ông Trần Nhất Minh – Phó TGĐ kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Công nghệ số VIB cho biết hiện tại Việt Nam có trên 20 ứng dụng ví điện tử nhưng việc sử dụng còn thấp. Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao, tỷ lệ giá trị mua bán là qua thương mại điện tử chỉ có khoảng 2 – 2,5%. Ông cho rằng chỉ khi nào NHNN có cơ chế pháp lý về việc sử dụng thanh toán online thì mới đẩy mạnh được quá trình chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt.

thach thuc lon nhat cua tai chinh so tai viet nam la nhan thuc cua nguoi dung con han che Vì sao ngân hàng coi Fintech là đối thủ cạnh tranh đáng gờm?

Ưu điểm về tiện ích dịch vụ và chi phí thấp trong lĩnh vực tài chính được tạo ra nhờ ứng dụng công nghệ hiện ...

Diệp Bình