|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao ngân hàng coi Fintech là đối thủ cạnh tranh đáng gờm?

08:00 | 14/11/2017
Chia sẻ
Ưu điểm về tiện ích dịch vụ và chi phí thấp trong lĩnh vực tài chính được tạo ra nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại tạo nên những thế mạnh không thể chối cãi của Fintech, khiến nó trở thành một đối thủ đáng gờm của ngân hàng truyển thống.
vi sao ngan hang coi fintech la doi thu canh tranh dang gom
FIntech đang bùng nổ trên toàn cầu (Ảnh minh hoạ)

Vấn đề cạnh tranh giữa các công ty Fintech và ngân hàng truyền thống đang là câu chuyện nóng được bàn đến trong thời gian gần đây trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra.

Với nhiều ưu điểm và thế mạnh về ứng dụng công nghệ, Fintech đang tạo ra những thay đổi không ngừng trên thị trường tài chính toàn cầu và tại Việt Nam. Sự tham gia của các công ty Fintech trong lĩnh vực tài chính ngày càng mở rộng và trở thành đối thủ cạnh tranh trực diện với dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Có thể hình dung câu chuyện cạnh tranh giữa các công ty Fintech và dịch vụ ngân hàng hiện nay với nhiều nét tương đồng với "cuộc chiến" giữa Uber, Grab với các hãng taxi truyền thống. Uber, Grab hay gọi chung là các ứng dụng công nghệ kết nối với người lái xe với giao diện dễ thực hiện giúp người dùng có được thông tin về giá cả, chặng đường, lái xe trước khi chọn dịch vụ trong khi dịch vụ taxi truyền thống lại không có được những ưu điểm này.

Các ứng dụng Fintech trong lĩnh vực tài chính cũng như vậy, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại tận dụng trên cơ sở sản phẩm có sẵn của ngân hàng đã tạo nên một dịch vụ có nhiều ưu điểm vượt trội.

Fintech tạo tiện ích tối ưu cho người dùng

Đứng trên góc độ người sử dụng dịch vụ, các ứng dụng của Fintech tạo ra mang lại trải nghiệm tiện ích linh hoạt, chi phí thấp, tốc độ xử lý nhanh. Ở Việt Nam, việc sử dụng các loại ví điện tử (Momo, Ví Việt,…) hay các cổng thanh toán trực tuyến (NganLuong.vn, Payoo.vn, OnePay, Baokim.vn,…) trong việc thanh toán diễn ra nhanh chóng.

vi sao ngan hang coi fintech la doi thu canh tranh dang gom
Một số ứng dụng Fintech tại Việt Nam

Các công cụ này được tích hợp kèm với nhiều dịch vụ như nộp tiền điện thoại, thanh toán hoá đơn, nhắc nợ thanh toán định kỳ, quản lý tài chính cá nhân,… giúp nó trở thành một "trợ lý tài chính" đắc lực cho người dùng. Hơn nữa, thay vì sử dụng dịch vụ truyền thống của một ngân hàng, ứng dụng Fintech mang lại cơ hội trải nghiệm kết hợp những ưu điểm của nhiều tổ chức tài chính khác nhau.

Một ưu điểm không thể không kể đến đó là sử dụng dịch vụ tài chính không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thay vì phải chờ đợi ở ngân hàng, người dùng có thể ở một chỗ và thực hiện giao dịch ở nhiều ngân hàng khác nhau. Điều này giảm đi rất nhiều thời gian và tiền bạc cho người dùng.

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ hiện đại cũng khiến cho tính bảo mật của giao dịch ngày càng cao với những công cụ xác thực qua OTP và định dạng sinh trắc học. Công nghệ này khiến cho người dùng có độ tin tưởng nhất định khi thực hiện các giao dịch tiền.

Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tín dụng, mặc dù chưa phát triển ở Việt Nam nhưng trên thế giới các công ty Fintech đã triển khai khá rộng rãi. Với nguyên tắc loại bỏ hoàn toàn trung gian và kết nối trực tiếp giữa người vay và người cho vay, loại hình này đã làm giảm tối đa chi phí trong quá trình vay mượn.

Nhờ Fintech, khối lượng vay trực tuyến của hãng Morgan Stanley tại Mỹ đã chạm mốc 120 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, tăng đột biến so với mốc 20 tỷ USD vào năm 2015.

Fintech phát triển mạng lưới nhanh chóng, chi phí vận hành thấp

Trên góc độ nhà cung cấp dịch vụ, thay vì quá trình đầu tư phức tạp để thành lập và xây dựng một ngân hàng với chi phí đầu tư cơ sở vật chất lớn, việc xây dựng một ứng dụng Fintech không những nhanh chóng về mặt thời gian mà còn có chi phí thấp hơn rất nhiều. Mặt khác, mô hình ngân hàng truyền thống còn vướng mắc bởi rất nhiều khâu từ mô hình quản trị, kênh phân phối, sản phẩm,…trong khi mô hình hoạt động Fintech lại đơn giản hơn khi tận dụng được tất cả những điểm mạnh có sẵn của các ngân hàng.

Lợi thế này được minh chứng bởi sự phát triển mạnh mẽ của Fintech trên toàn cầu những năm gần đây. Theo khảo sát mới đây của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS), các công ty Fintech đã tham gia vào hầu hết các dịch vụ hiện có của ngân hàng từ tín dụng, huy động đến thanh toán và quản lý đầu tư.

Cụ thể, có khoảng 41% các doanh nghiệp FinTech cung cấp các dịch vụ liên quan đến thanh toán, lưu ký bảo lãnh; 27% các dịch vụ bổ trợ trong dịch vụ tài chính; 18% trong cho vay, tiền gửi và huy động vốn; 9% là dịch vụ quản lý đầu tư và 5% là các dịch vụ khác.

Tại Châu Âu, 8 ngân hàng hàng đầu đã sa thải khoảng 100 nghìn nhân viên vào đầu năm 2016 sau khi ứng dụng Fintech. Cùng với đó các ngân hàng như Barclays, Credit Suisse, Deutsche Bank và Standard Chartered đã mất khoảng 420 tỷ USD giá trị thị trường bởi sự lên ngôi của Fintech (theo Bloomberg).

Theo đưa tin từ Forbes, ông John Cryan - Giám đốc điều hành Deutsche Bank cho biết nhà băng này đã lên kế hoạch cắt giảm 9.000 nhân viên trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng theo hướng ứng dụng công nghệ. Hiện ngân hàng đã cắt giảm 4.000 việc làm và nhiều khả năng còn có thể nâng mức cắt giảm cao hơn so với kế hoạch.

Cơ hội và thách thức của Fintech ở thị trường Việt Nam

Theo thông tin từ hội thảo “Ngân hàng và Fintech: Cơ hội và thách thức” vừa diễn ra vài ngày trước, Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của Fintech với lực lượng dân số trẻ, tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh lớn và trên 50% số dân kết nối với các mạng xã hội.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Techcombank, Fintech tại Việt Nam sẽ khó phát triển mạnh như Anh và Thụy Điển do hiện tại độ phổ cập của ngân hàng đang khá thấp. Fintech chỉ phát huy thế mạnh ở những lĩnh vực có quy mô vốn nhỏ và rủi ro thấp như cho vay tiêu dùng, thanh toán trực tuyến hay quản lý tài sản, còn rất hạn chế trong việc tiếp cận đến các dịch vụ như cho vay mua nhà, cho vay doanh nghiệp lớn.

Do đó, nhiều doanh nghiệp Fintech và ngân hàng đang cùng lựa chọn giải pháp "khôn ngoan" là hợp tác cùng phát triển. Điều này được thể hiện khi nhiều ngân hàng thực hiện ký kết xây dựng các giải pháp thanh toán điện tử kết hợp làm dịch vụ bổ sung như TPBank, VietinBank, MBBank,...

vi sao ngan hang coi fintech la doi thu canh tranh dang gom FinTech - Viễn cảnh nào cho ngành ngân hàng?

Những năm gần đây, FinTech nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư tài chính, từ cả các quỹ đầu tư mạo hiểm lẫn ...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệp Bình