|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thách thức của ngành tiêu trong năm 2017

22:07 | 07/02/2017
Chia sẻ
Hiệp hội hồ tiêu (VPA) dự báo, trong năm 2017 ngành hồ tiêu có thể gặp nhiều khó khăn hơn năm trước, bởi chất lượng hạt tiêu xuất khẩu sẽ là yếu tố quan trọng nhất tác động đến thương mại hồ tiêu của Việt Nam. 
thach thuc cua nganh tieu trong nam 2017
Chất lượng hạt tiêu xuất khẩu sẽ là yếu tố quan trọng nhất tác động đến thương mại hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2017 (Nguồn: Nuôi trồng)

Theo VPA, năm 2016, ngành hồ tiêu Việt Nam đã có một năm vất vả do giá cả biến động mạnh. Sang tới năm 2017, với những thông tin thế giới về tình hình sản xuất và thương mại hồ tiêu toàn cầu khiến ngành có thể gặp nhiều khó khăn hơn bởi chất lượng xuất khẩu sẽ là yếu tố quan trọng nhất tác động đến thương mại.

Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng tiêu trên thế giới vẫn tăng nhưng phần lớn thị trường thế giới không chấp nhận mua hạt tiêu không đạt yêu cầu chất lượng, trong đó tập trung nhất là vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

VPA cho hay, vấn đề này không mới nhưng năm 2017 sẽ được tập trung soi xét cẩn trọng hơn nhiều lần, đặc biệt ở các thị trường mà hạt tiêu Việt Nam đang chiếm thị phần lớn như Mỹ và Châu Âu.

Đơn cử là vấn đề dư lượng hoá chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU. Nhiều năm trước, lượng tối đa cho phép (MRLs) của hoá chất này là 0.1ppm, nhưng năm 2017 có thể sẽ không còn được như vậy, Uỷ ban Châu Âu EC đang kiến nghị áp dụng MRLs cho phép chỉ là 0.05ppm.

Gần đây nhất vào cuối tháng 1/2017, trong thư gửi VPA và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA) cho biết, khi phân tích 799 mẫu hạt tiêu đen nhập vào EU trong năm 2016 thì chỉ có 17% số mẫu có mức dư lượng tối đa cho phép dưới 0.05ppm.

VPA nhấn mạnh, nếu tình hình sản xuất năm 2017 vẫn như năm trước thì có thể trên 80% hạt tiêu của Việt Nam khó có cơ hội vào được thị trường Châu Âu. Trong khi đây là thị trường vốn tiêu thụ xấp xỉ 40.000 tấn, chiếm 23% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam hàng năm.

Ngoài ra, một trong những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ cũng đang chuẩn bị ban hành hàng loạt qui định mới về yêu cầu chất lượng nông sản nhập khẩu, trong đó có hạt tiêu. Hàng năm, Mỹ nhập khẩu hơn 40.000 tấn từ Việt Nam, chiếm 24% tổng lượng xuất khẩu của cả nước.

Bên cạnh đó, VPA cho rằng, quản lý chất lượng nguyên liệu từ các vùng sản xuất cũng là điều khó khăn nhất ngành tiêu phải vượt qua để duy trì kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, quản lý chất lượng ở các vùng sản xuất thế nào để đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu vẫn là câu hỏi trăn trở.

Đánh giá về tình hình sản xuất niên vụ 2016 - 2017, VPA cho biết, sản lượng tiêu sẽ tăng 15 - 20% so với sản lượng vụ trước, lên khoảng 180.000 tấn. Trong đó, có khoảng 60% hộ dân vẫn còn trữ tiêu với lượng trung bình vài tấn mỗi hộ.

Tuy nhiên, vụ thu hoạch hồ tiêu 2016 - 2017 dự kiến sẽ thu muộn hơn so với năm trước do năm nay hạn đầu vụ trong khi mưa tới muộn làm ảnh hưởng đến phân hoá mầm hoa đầu vụ. Không những vậy, vào những thời điểm thu hoạch cuối năm 2016 tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn tiếp tục có mưa ảnh hưởng đến việc thu hái.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thu mua tiêu đen xô bình quân tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm, như Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai trong tháng 1/2017 giảm khoảng 8.000 đồng/kg so với tháng trước, xuống ở mức lần lượt là 131.000 đồng/kg, 133.000 đồng/kg, 128.000 đồng/kg và 129.000 đồng/kg

Bộ cũng ước tính đến hết tháng, xuất khẩu hồ tiêu giảm 18% xuống 8 nghìn tấn và giảm tới 37% xuống 56 triệu USD.

Hồng Vũ