|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thách thức của ngành điều: khi bạn hàng thành đối thủ

14:00 | 22/11/2016
Chia sẻ
Năm nay là năm thứ 11 ngành điều Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân. Tuy nhiên, có những thách thức buộc ngành điều phải thay đổi, trong đó, những bạn hàng truyền thống đang có kế hoạch trở thành đối thủ cạnh tranh.
thach thuc cua nganh dieu khi ban hang thanh doi thu
Chế biến điều xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Hùng

Châu Phi, từ đối tác thành đối thủ

Trong bài phát biểu tại Hội nghị điều quốc tế do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức vào cuối tuần qua tại Đà Nẵng, đại diện Hội đồng Bông và điều Bờ Biển Ngà đã không che giấu mong muốn học tập kinh nghiệm phát triển ngành điều Việt Nam để áp dụng cho ngành điều nước này trong tương lai.

Ba mươi năm trước, Bờ Biển Ngà trồng điều để chống lại nạn xói mòn, sa mạc hóa nhưng nay họ đã nhận ra hiệu quả kinh tế từ cây điều. Quốc gia châu Phi này có hai cây trồng chính là điều và ca cao nhưng do biến đổi khí hậu, cây ca cao liên tiếp giảm năng suất, ngược lại, cây điều lại cho năng suất cao hơn nên họ muốn tập trung mọi thứ để phát triển ngành điều trở thành một trong những ngành kinh tế của họ.

Có vẻ Bờ Biển Ngà đã nhận ra cách tốt nhất là học tập mô hình thành công của ngành điều Việt Nam và phải làm tốt hơn. Họ đang sao chép gần như “nguyên xi” chiến lược phát triển ngành điều của nước ta trong những năm qua theo trình tự ba bước: tập trung nghiên cứu giống cây trồng, đào tạo cho nông dân kỹ thuật trồng điều, và tìm cách chia sẻ lợi nhuận một cách đồng đều nhất cho các thành phần trong chuỗi phát triển ngành điều.

Để có thể học tập và mua được công nghệ chế biến điều của Việt Nam, Bờ Biển Ngà đã lập một văn phòng ở TPHCM với nhiệm vụ chủ yếu là tìm kiếm đối tác và mua công nghệ. Vinacas đã hơn một lần lên tiếng phản đối và muốn Chính phủ có động thái bảo hộ bằng cách không cho xuất khẩu công nghệ chế biến qua Bờ Biển Ngà hay các quốc gia châu Phi khác. Phản ứng này của Vinacas là dễ hiểu, đó là nhằm bảo vệ chính mình trước đối thủ cạnh tranh.

Không chỉ tìm cách mua công nghệ từ Việt Nam, Bờ Biển Ngà có chính sách khuyến khích các công ty trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở chế biến điều thô tại nước sở tại bằng những chính sách thông thoáng nhất.

Theo ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc Công ty Chế biến điều xuất khẩu Long Sơn, chính phủ nước này đang có chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu điều thô. Cả khâu thu mua điều cũng nhận được chính sách thông thoáng khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có thể mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân mà không cần thông qua đại lý trung gian như Việt Nam.

Và để giúp ngành điều chuyển từ bán điều thô sang bán điều nhân, theo Vinacas, một số nước trong đó có Bờ Biển Ngà, có chương trình hỗ trợ khoảng 120 đô la Mỹ cho mỗi tấn điều nhân xuất khẩu.

Trên khía cạnh kinh doanh, đây là những chính sách hấp dẫn đối với các công ty Việt Nam nên cho đến nay đã có một số công ty đặt văn phòng tại Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana... để hưởng lợi từ chính sách này.

Theo Vinacas, trong chín tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập gần 868.000 tấn điều thô, trong đó, 85% là từ châu Phi, nhiều nhất là Bờ Biển Ngà với 41%, tiếp đến là Nigeria gần 13%, Ghana hơn 10% tổng lượng nhập khẩu.

Thay đổi là sống còn

Những năm trước, trên một số trang thương mại điện tử như alibaba.com hay ebay.com có rất nhiều sản phẩm điều sau chế biến được chào bán bởi những công ty đóng tại những quốc gia không sản xuất hạt điều như Mỹ, Ba Lan, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ..., trong khi đó, các công ty Việt Nam hầu như chỉ có sản phẩm điều nhân dạng đóng gói như W240, W320 hay W450.

Theo các doanh nghiệp chế biến điều nhân xuất khẩu, cứ khoảng 3 ki lô gam điều thô sẽ cho ra 1 ki lô gam điều nhân. Hiện giá điều nhân loại W320 đang được chào bán tương đương 10 đô la Mỹ/ki lô gam; giá điều thô nhập khẩu từ châu Phi là 2,250 đô la Mỹ/ki lô gam. Như vậy, mỗi ký điều nhân xuất khẩu sau khi trừ đi chi phí nhân công, doanh nghiệp thu về khoảng 1-2 đô la Mỹ lợi nhuận.

Để có thể kiếm thêm lợi nhuận trong chuỗi sản xuất này, gần đây, một số công ty Việt Nam đã đầu tư sản phẩm chế biến sâu. Mức giá trung bình cho những sản phẩm tẩm mật ong, tẩm wasabi... đang được chào bán trên alibaba và ebay dao động từ 20-30 đô la Mỹ/ki lô gam, cao gấp 2-3 lần giá điều nhân mà Việt Nam đang bán.

Cũng tại hội nghị quốc tế nêu trên, nhiều công ty trong nước đã trưng bày một số sản phẩm điều chế biến gia tăng giá trị như điều rang muối, điều tẩm mật ong, điều wasabi, kẹo điều... với bao bì thiết kế đẹp mắt, tiện lợi, như một cách chào hàng với bạn bè quốc tế. Đây được xem là điểm nhấn và có phần khác biệt so với những hội nghị trước.

Về phía mình, lần này, thay vì tập trung phản đối châu Phi mua công nghệ từ Việt Nam như lần trước, Vinacas đã có cái nhìn xa hơn. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, nói với báo chí bên hành lang hội nghị rằng trước sau gì Việt Nam cũng bị châu Phi thay thế ở khâu chế biến điều nhân trong chuỗi sản xuất hạt điều hiện nay, do đó, cần phải nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với xu thế này để châu Phi vẫn là bạn hàng thay vì là đối thủ.

Ngọc Hùng

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.