|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thách thức cho nền kinh tế tuần hoàn

12:29 | 12/07/2024
Chia sẻ
Kinh tế tuần hoàn cần nhận được sự đầu tư đúng mức của các doanh nghiệp, đặc biệt các startup trong lĩnh vực tái chế, chuyển đổi chất thải.

Sáng 12/7, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hanns Seidel Foundation tổ chức hội thảo về chất thải rắn và nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là sáng kiến nhận được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, được xem là một trong các phương thức giúp giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; là con đường tiến tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. 

Kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

 Mô hình ATM rác tại Quảng Ninh. (Ảnh: Đức Huy).

Kể từ năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Các quy định pháp luật này đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải như:

Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì…

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16 % mỗi năm. Năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày.

Trong khi đó, ở khu vực thành thị, vẫn còn khoảng 5-10% chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom, và ở các vùng nông thôn, tỷ lệ này khoảng 30-45%. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng 10% lượng chất thải nguy hại hiện vẫn chưa được thu gom, xử lý. 

Đồng thời, việc xử lý chất thải rắn hiện nay vẫn còn khá nhiều hạn chế; việc áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, đặc biệt là công nghệ biến chất thải thành năng lượng, vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

 Ông Mai Thanh Dung chia sẻ tại sự kiện sáng 12/7. (Ảnh: Đức Huy).

Chia sẻ tại sự kiện, ông Mai Thanh Dung – Phó Viện trưởng Viện chính sách, Tài nguyên và Môi trường nói: “Quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại”.

Ông Dung cho biết trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho đến năm 2050, việc nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan về các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn ở Việt Nam là vô cùng cần thiết. 

Ông Lê Anh Vũ - đại diện Hanns Seidel Foundation Việt Nam, nhận định không giống như nền kinh tế tuyến tính truyền thống theo mô hình lấy, sản xuất, thải bỏ, nền kinh tế tuần hoàn nhấn mạnh đến hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm chất thải và việc sử dụng nguyên vật liệu liên tục. Bằng cách áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, có thể chuyển đổi cách tiếp cận sang quản lý chất thải răn và tạo ra một tương lai bền vững hơn.

Ông Lê Anh Vũ đưa giải pháp quản lý chất thải rắn trong quá trình chuyển đổi tuần hoàn tại sự kiện sáng 12/7. (Ảnh: Đức Huy).

Từ đó, ông Vũ đưa ra hai giải pháp quản lý chất thải rắn trong quá trình chuyển đổi tuần hoàn. Thứ nhất, thay vì tiêu hủy khi xử lý chất thải, cần phải áp dụng những phương án mang tính tuần hoàn, các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải được coi là những biện pháp hữu hiệu để giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, giảm các nguy cơ về môi trường.

Thứ hai là việc sử dụng tầm quan trọng của tính tuần hoàn để thúc đẩy sự đổi mới trong công nghệ quản lý chất thải rắn. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các giải pháp đổi mới trong công nghệ. 

Với các biện pháp khuyến khích phù hợp, đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải bên vững và tăng cường khả năng kỹ thuật số cũng như cung cấp hỗ trợ cho các nhà khoa học. Điều này sẽ cần sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân, học thuật cũng như các cấp địa phương.

Một trong những chương trình mà quỹ này thực hiện đó là thiết kế dự án hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tái chế vật liệu nhựa, chuyển đổi chất thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ hoặc làm thức ăn chăn nuôi.

“Quản lý chất thải rắn đã trở thành một thách thức cấp bách ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đô thị hóa nhanh chóng, tăng trưởng công nghiệp và những thay đổi trong mô hình tiêu dùng đã dẫn đến sự gia tăng về khối lượng và độ phức tạp của chất thải. Điều này đã dẫn đến ô nhiễm môi trường đáng kể, cạn kiệt tài nguyên và các mối nguy hiểm về sức khỏe người dân. 

Tuy nhiên, bên trong những thách thức này ẩn chứa những cơ hội cho sự đổi mới và phát triển bền vững. Khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đưa ra một lộ trình đầy hứa hẹn để giải quyết bài toán kể trên”, đại diện Hanns Seidel Foundation Việt Nam nhấn mạnh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Huy