|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thạc sĩ Stanford bỏ tập đoàn nước ngoài để tự khởi nghiệp

19:42 | 05/03/2017
Chia sẻ
Từng là người châu Á đầu tiên giữ cương vị trợ lý Tổng giám đốc của Maersk, sau đó là trưởng dự án cấp cao cho Booz and Company, Vân Đinh Hồng Vũ quyết định từ bỏ tất cả để khởi nghiệp với phần mềm luyện nói tiếng Anh miễn phí.

Hồng Vũ cho biết, ngay khi trải qua thời gian học thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh và Giáo dục của Ðại học Stanford, cô đã luôn trăn trở giữa việc nên lựa chọn theo đuổi một con đường dễ dàng, bình thường hay theo đuổi điều to lớn với một đam mê?

Đến khi đi làm, mặc dù Vũ được đảm trách những công việc tốt với mức thu nhập cao như làm trợ lý Tổng giám đốc của Maersk - Tập đoàn vận tải và năng lượng có chi nhánh trải khắp 136 quốc gia với 89.000 nhân viên, sau đó là trưởng dự án cấp cao cho Booz & Company (một trong 4 tập đoàn tư vấn đứng đầu nước Mỹ), nhưng cô vẫn quyết định từ bỏ để bắt đầu khởi động cho một cuộc hành trình mới. Vũ nhận ra, giáo dục là niềm đam mê và chỉ có giáo dục mới là chất xúc tác để thay đổi cuộc sống của một người nên cô đã chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực này.

thac si stanford bo tap doan nuoc ngoai de tu khoi nghiep
Vân Đinh Hồng Vũ rất đam mê khởi nghiệp.

Bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp, bản thân Vũ cũng xác định sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn. Cô còn nhớ rõ, lúc mới ra làm riêng và đi mua đồ tại một tiệm tạp hóa ở San Francisco, người thu ngân đã nhìn cô và hỏi rằng: "Cô có trả bằng foodstamp - tờ phiếu thực phẩm mà chính phủ hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp, không?.Thời gian đầu, những ý tưởng bắt đầu nhen nhóm, xuất phát từ thực tế bản thân về cách phát âm tiếng Anh của mình cũng như lỗ hổng về phát âm mà những du học sinh đang gặp phải khi qua Mỹ học tập, Hồng Vũ cùng đồng sự đã cho ra đời ELSA - phần mềm giúp luyện phát âm chuẩn giọng bản ngữ hoạt động theo cơ chế của trí thông minh nhân tạo.

"Bạn cô cười và nói rằng tôi là một doanh nhân nghèo", Vũ nhớ lại.

Việc phát triển một sản phẩm công nghệ giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực phát âm tiếng Anh đối với người chưa có kinh nghiệm như cô đã khiến bản thân gặp không ít gian nan sau đó.

Trước hết là về giờ giấc làm việc, tất cả các giờ trong ngày đều phải dành cho công việc, kể cả là cuối tuần. Cái khó khác là làm việc trái múi giờ khiến cuộc sống của Vũ bị đảo lộn vì các đối tác rải rác từ châu Âu đến châu Á và Mỹ với nhiều khung giờ khác nhau.

Bên cạnh đó, cô còn phải đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Bởi thực tế học nói tiếng Anh thì việc lựa chọn một giáo viên để dạy luôn là cách truyền thống mà nhiều người muốn. Tại Mỹ, những ai muốn trau dồi kỹ năng nói, họ đều tìm đến các chuyên gia luyện giọng với mức phí 100 - 200 USD mỗi giờ.

Tuy nhiên, với nhiều người Việt thì đây là số tiền quá cao so với khả năng của họ. Do đó, sản phẩm của cô cũng có cơ hội để tiếp cận khách hàng nhưng việc sử dụng công nghệ để có được hiệu quả tương tác giống hệt các chuyên gia luyện giọng là một thử thách mà Vũ luôn phải đối mặt.

Nếu công nghệ không có độ chính xác cao, người học sẽ rất hoang mang về những gì mà họ nhận được từ phần mềm. Vì thế, Vũ và các cộng sự phải nỗ lực rất lớn. Hàng ngày, công việc thu thập một khối lượng lớn dữ liệu và sửa lỗi để phần mềm có độ chính xác cao nhất luôn nằm trong tiềm thức của cô.

Thật may mắn, sau đó Vũ tìm kiếm được những chuyên gia về ngôn ngữ để giúp cô phát triển phần mềm. Trong đó có Paul Merier - chuyên gia huấn luyện giọng nói của Hollywood và lồng tiếng cho các đoạn quảng cáo thương hiệu lớn. Vũ nhớ lại quãng thời gian đấy, khi được những người bạn nhắc đến cái tên Paul như một chuyên gia luyện giọng uy tín, cô đã tìm kiếm tất cả những thông tin về ông và lên kế hoạch để được nói chuyện. Thông qua nhiều email dài, Vũ giải thích về những gì cô và nhóm đang làm cũng như những gì đang tìm kiếm ở một chuyên gia như ông. Rất may mắn sau một cuộc điện thoại, ông đã đồng ý trở thành cố vấn cho phần mềm.

“Paul đồng ý hợp tác với chúng tôi là vì ý tưởng của tôi trùng với sứ mệnh của ông. Ông luôn muốn đưa những lời khuyên hữu ích đến tất cả những người học trên khắp thế giới. Nhiều người đến với ông đều rất giỏi và thông minh nhưng kỹ năng nói tiếng Anh đã giới hạn thành công của họ. Ông ước rằng, có cả một triệu Paul để hơn một triệu người có thể học được cách nói tiếng Anh sao cho tốt hơn. Và ông ấy nói rằng phần mềm của chúng tôi giúp giấc mơ này của ông thành hiện thực. Đấy là cách ông tham gia cùng chúng tôi cho đến nay", Vũ chia sẻ.

Trước khi có được bản chính thức đến với cộng đồng, Vũ và các đồng sự đã dành rất nhiều thời gian cho công đoạn thử nghiệm và khắc phục lỗi. Mặc dù chưa phải là một phiên bản hoàn hảo nhất nhưng đội của cô đang từng ngày hoàn thiện bằng cách nâng cao công nghệ cũng như phát triển được nhiều tính năng tích hợp tiện ích khác.

Nhân lực vẫn luôn là bài toán cho tất cả những ai mong muốn tạo nên điều khác biệt trong chính sản phẩm của mình, và Vũ vẫn không ngoại lệ. Ngoài nền tảng công nghệ, phần mềm luyện phát âm còn được sự tư vấn của chuyên gia luyện giọng Paul Meier. Nhờ vậy, khi người dùng nói bất kỳ từ và câu tiếng Anh nào trước ứng dụng, nó sẽ tự động ghi và phân tích, nhận diện giọng nói để giúp họ tìm ra những từ chưa đúng với tiếng Anh của người bản xứ.

Từ lúc bắt đầu vào năm 2015, trải qua nhiều khó khăn, vượt qua 1.200 đối thủ, phần mềm của cô đã vinh dự giành giải nhất trong cuộc thi SXSWedu (Mỹ) vào tháng 3/2016. Cuộc thi này là một phần trong chuỗi sự kiện SXSW (South by South West), vốn được xem là sự kiện lớn nhất nước Mỹ dành cho ngành công nghiệp sáng tạo.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ này, Hồng Vũ vẫn còn lưu giữ nhiều cảm xúc như mới ngày hôm qua. Cô không nghĩ sản phẩm của nhóm sẽ giành chiến thắng trong cuộc thi mà các đối thủ khác mạnh hơn nhiều lần. Trước những lo lắng khi chưa thể cho ra mắt sản phẩm trong thời gian vòng chung kết sắp bắt đầu, Vũ và đồng sự đã làm việc liên tục trong vòng 48 giờ để hoàn thiện sản phẩm.

Nhóm cô đã đưa lên Apple Store với kế hoạch dự kiến sản phẩm sẽ chính thức ra mắt trong sự kiện chung kết. Tuy nhiên, trước cuộc thi vài giờ, Vũ vẫn chưa nhận được thông tin đồng ý từ Apple. “Tôi đã gửi email khẩn cấp cho họ với mong muốn công bố sản phẩm tại SXSW, và cuối cùng họ cũng chấp nhận để ELSA có mặt trước mọi người trong sự kiện", Vũ nhớ lại

Tính đến nay, phần mềm của nữ doanh nhân gốc Việt đã tròn một tuổi với nhiều thăng trầm trên đoạn đường từng bước hoàn thiện mỗi ngày của mình. Niềm vui, nỗi buồn xen lẫn nhưng quan trọng nhất, những gì Vũ và nhóm làm đã thu về kết quả đáng tự hào. Ngay trong 24 giờ ra mắt lần đầu tiên, phần mềm đã cán mốc 30.000 lượt download. Hiện tại, số lượng tải về lên đến hơn 700.000, phần mềm đang xuất hiện ở hơn 90 quốc gia khác nhau trên thế giới. Ngoài ra, ELSA còn được chọn là ứng dụng thông minh hỗ trợ cho học sinh quốc tế khi theo học một số chương trình dạy MBA ở Mỹ.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ luôn là thị trường mà Hồng Vũ muốn tập trung phát triển phần mềm luyện âm này vì đây là quê hương của cô. Hiện nay, số lượng người dùng ELSA ở Việt Nam đối với Hồng Vũ vẫn còn khiêm tốn. Mục tiêu cụ thể cô muốn tiếp cận đến ít nhất 80% số lượng người Việt từ 18 đến 27 tuổi vì phát âm chuẩn tiếng Anh sẽ là kỹ năng đắc lực giúp họ hướng đến những cơ hội mới.

Ngoài ra, Vũ cũng không quên phát triển ở những thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Brazil hay Mexico. Tất cả những kế hoạch phát triển này đều được các thành viên chủ chốt của ELSA coi trọng trong việc phát triển ở tương lai.

Hạnh Nguyễn

Nhóm ngành hút mạnh dòng tiền thời gian tới qua lăng kính các nhà quản lý quỹ
Theo các chuyên gia, một số nhóm ngành được kỳ vọng thu hút dòng tiền đầu tư thời gian tới kể đến tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, đầu tư công…