|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Techcombank, VPBank, MBBank và ACB nằm trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam

06:54 | 05/10/2019
Chia sẻ
Trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất, Techcombank đứng vị trí thứ 3, VPBank xếp ở vị trí thứ 5. Trong khi, MBBank đứng ở vị trí thứ 6 và ACB giữ vị trí thứ 8.
Techcombank, VPBank, MBBank và ACB nằm trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận lớn nhất  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Techcombank)

Vietnam Report (VnReport) vừa công bố Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 (Profit500). Theo đó, ngành ngân hàng có 4 đại diện lọt vào Top 10 gồm Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Cụ thể, Techcombank đứng vị trí thứ 3, chỉ sau tập đoàn VinGroup và Vinamilk. Với vị trí này, Techcombank đã tăng 2 bậc so với bảng xếp hàng năm 2018 và lần đầu tiên lọt vào Top 3 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất.

VPBank xếp ở vị trí thứ 5, giảm 1 bậc so với năm trước. Trong khi, MBBank đứng ở vị trí thứ 6 (tăng 2 bậc) và ACB giữ vị trí thứ 8 (tăng 6 bậc).

Vietnam Report cho biết, danh sách và thứ hạng doanh nghiệp trong bảng xếp hạng được đánh giá khách quan, độc lập dựa trên việc tính điểm trọng số, với các tiêu chí chính là các chỉ số phản ánh khả năng sinh lời (ROA, ROE, ROR); lợi nhuận trước thuế và doanh thu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, uy tín của doanh nghiệp trên truyền thông; qui mô sử dụng lao động cũng là những chỉ tiêu tham chiếu quan trọng đánh giá hiện trạng sức mạnh và triển vọng mỗi doanh nghiệp theo từng khía cạnh.

Cùng với việc công bố bảng xếp hạng, Vietnam Report cũng khảo sát về những rào cản, thách thức có khả năng ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020.

Trong đó, đa số các doanh nghiệp chọn ra 5 rào cản, thách thức chính gồm thủ tục hành chính phức tạp (55,6%); nỗi lo tăng trưởng kinh tế không ổn định (52,4%); nỗi lo về tăng gánh nặng thuế (39,7%); biến động tỉ giá (36,5%) và khó tiếp cận nguồn vốn (30,2%).

Ngoài ra, một số rào cản cụ thể khác mặc dù chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 14% nhưng cũng rất đáng lưu tâm đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ràng buộc về hành lang kỹ thuật trong xuất khẩu và vấn đề thuế chống bán phá giá cũng tác động lớn đến doanh nghiệp trong thời gian tới.

Quốc Thụy