Techcombank có thể phải tái cơ cấu nguồn huy động để đáp ứng nhu cầu cho vay mua nhà tăng cao
Techcombank có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi thông tư 22
Báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt về Ngân hàng TMCP Kĩ Thương Việt Nam (Teccombank) cho rằng Techcombank đang triển khai cách tiếp cận theo hệ sinh thái bằng việc tập trung vào một số khách hàng lớn và phục vụ toàn bộ chuỗi giá trị trong một số lĩnh vực.
Điều này giúp họ mở rộng thu nhập mạnh mẽ mà vẫn kiểm soát được rủi ro và có thể xây dựng được cơ sở khách hàng có thu nhập cao và trở thành một trong những ngân hàng có hiệu quả hoạt động cao nhất trong ngành.
Bên cạnh đó, theo VDSC, chất lượng tài sản của Techcombank lành mạnh và thanh khoản dồi dào, mặc dù dư địa mở rộng tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) có thể hạn chế hơn.
Techcombank đang kiểm soát tốt chất lượng tài sản với nợ xấu cuối quí III/2019 ở mức 1,8% (không đổi so với cuối 2018), tỉ lệ LLR (hệ số dự phòng) ở mức 77% trong khi chi phí dự phòng 9 tháng đã giảm đáng kể (giảm 66%).
Thêm vào đó, Techcombank duy trì hệ số an toàn vốn cao (CAR Basel II ở mức 16,5%) và thanh khoản dồi dào.
Tuy vậy, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện ở mức 36,1%, khá gần với ngưỡng quy định của NHNN.
Do đó, Techcombank có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi thông tư 22 và phải tái cơ cấu nguồn vốn huy động (tiền gửi và trái phiếu) để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao tập trung vào mảng cho vay mua nhà (trong đó chủ yếu bao gồm các khoản vay dài hạn).
Chương trình Zero Fee có thể làm hạn chế tăng trưởng thu nhập phí
Đối với mảng dịch vụ, nhờ chương trình Zero Fee và hoàn tiền 1% trên kênh số, CASA (tiền gửi không kì hạn) của Techcombank đã cải thiện liên tục từ mức 22,7% của năm 2016 lên hơn 30%, vượt qua Vietcombank và tiến gần với CASA của MBBank.
Trong trung hạn, chiến lược này có thể làm hạn chế tăng trưởng thu nhập phí nhưng sẽ hỗ trợ cho việc cải thiện chi phí huy động.
Trong dài hạn, các lợi ích bao gồm dịch chuyển thói quen khách hàng sang sử dụng ngân hàng số, tiết kiệm chi phí vận hành và tăng cường sự gắn kết với khách hàng.
Lợi nhuận sau thuế 2020 ước tăng 16,7% lên 11.000 tỉ đồng
Từ những phân tích trên, VDSC dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng 2020 của Techcombank ước đạt 18,1%. Trong đó cho vay tăng trưởng 39% và trái phiếu doanh nghiệp giảm 43%.
Tăng trưởng huy động ước đạt 13,5%. VDSC kì vọng rằng NIM sẽ ổn định ở mức 4,2%. Thu nhập lãi dự kiến sẽ tăng trưởng 15,6%, đóng góp cho gần 70% thu nhập hoạt động.
Thu nhập dịch vụ ước tăng 20%, đóng góp vào 15,8% của thu nhập hoạt động. Lợi nhuận sau thuế ước tăng 16,3% lên mức 11.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý việc một số khách hàng lớn trong hệ sinh thái gặp khó khăn hoặc một số lĩnh vực kinh tế tập trung của Techcombank rơi vào chu kì đi xuống đều có thể ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận của ngân hàng.