|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TCT Mỏ Việt Bắc thông qua phương án niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán

15:37 | 19/04/2019
Chia sẻ
Công nghiệp Mỏ Việt Bắc có thể sẽ trở thành Tổng công ty đầu tiên của ngành than niêm yết trên thị trường chứng khoán. 

Sáng ngày 19/4, Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV – CTCP (Mã: MVB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.

Một trong những nội dung quan trọng được trình lên đại hội là việc đưa cổ phiếu MVB niêm yết trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu này đang được giao dịch trên thị trường UPCoM.

Theo báo cáo của HĐQT, Mỏ Việt Bắc đáp ứng được tất cả các tiêu chí niêm yết trên cả sàn HOSE và HNX, tuy nhiên phương án cụ thể sàn nào vẫn chưa được quyết định. HĐQT xin đại hội cổ đông ủy quyền quyết định phương án.

Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch Lê Quang Bình cho biết công ty vẫn đang chờ công ty mẹ Tập đoàn Than khoáng sản (Vinacomin) chỉ đạo. Ngay cả vấn đề thời gian niêm yết khi nào, HĐQT cũng mong có thể thực hiện niêm yết sớm để có thể tăng tính minh bạch cho công ty, tuy nhiên phải xem xét thời điểm giá cổ phiếu thuận lợi, chu kỳ tốt nhất của ngành than để có thể đảm bảo lợi ích cao nhất cho cổ đông.

"Thị trường tốt, chúng tôi có thể niêm yết cổ phiếu ngay trong năm 2019 này", ông Bình tuyên bố. Nếu điều này trở thành hiện thực, Công ty Mỏ Việt Bắc có thể sẽ trở thành Tổng công ty đầu tiên của ngành than niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Mỏ Việt Bắc có vốn điều lệ 1.050 tỉ đồng, do công ty mẹ Vinacomin sở hữu hơn 98% vốn điều lệ. Theo kế hoạch đến năm 2020, Tập đoàn sẽ thoái vốn xuống còn 65%.

TCT Mỏ Việt Bắc thông qua phương án niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán   - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông CTCP Công nghiệp Mỏ Việt Bắc sáng 19/4 (Ảnh: BM)

Theo cập nhật của Tổng giám đốc Trần Hải Bình, Tập đoàn đã chỉ đạo người đại diện vốn xác định giá trị doanh nghiệp, nội dung cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên còn một vấn đề là giá trị văn hóa lịch sử doanh nghiệp thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Công ty đã tiến hành xin ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, nhưng chưa nhận được phản hồi.

CEO Mỏ Việt Bắc cho hay, đây cũng là vấn đề chung của các doanh nghiệp mà công ty đang có kế hoạch thoái vốn. Năm 2018, Mỏ Việt Bắc cũng đã không thể thực hiện thoái vốn thành công tại 4 công ty con theo kế hoạch là CTCP Sản xuất kinh doanh Vật tư thiết bị - VVMI; CTCP Cơ khí Thiết bị áp lực – VVMI; CTCP Khách sạn Thái Nguyên – VVMI và CTCP Thiết bị khai thác mỏ.

Năm 2018, kết quả kinh doanh của công ty mẹ Mỏ Việt Bắc tỏ ra ấn tượng với doanh thu 2.323 tỉ đồng, vượt kế hoạch 45%; đặc biệt lợi nhuận sau thuế trên 191 tỉ đồng, gấp 3 lần kế hoạch đề ra. Nhờ đó, công ty dự kiến trả cổ tức tỉ lệ 12%, gấp đôi kế hoạch.

Lãnh đạo công ty cho biết tiêu thụ xi măng trong nước gặp thuận lợi khi từ tháng 2/2018, Chính phủ điều chỉnh thuế xuất khẩu xi măng và clinke từ 5% về 0%; trong khi đó Trung Quốc cũng có những chính sách hạn chế sản xuất xi măng để bảo vệ môi trường. Ngoài ra tình trạng thiếu than cũng giúp đẩy giá bán nguyên liệu này tăng cao.

Năm 2019, công ty mẹ Mỏ Việt Bắc đặt kế hoạch doanh thu 1.781 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 78 tỉ đồng, kế hoạch trả cổ tức 8%. Trên thị trường UPCoM, cổ phiếu MVB hiện đang giao dịch ở mức 3.600 đồng/đơn vị, tuy nhiên không có thanh khoản.

Tại đại hội, cổ đông Mỏ Việt Bắc cũng có thắc mắc xung quanh tình hình hoạt động của các công ty con, và các chi nhánh. MVB có 9 công ty con, trong đó có 3 công ty xi măng gồm Tân Quang (Tuyên Quang), La Hiên và Quán Triều tại Thái Nguyên.

Trong đó, xi măng Tân Quang và xi măng Quán Triều hiện đang có những khoản nợ lớn hàng trăm tỉ đồng. Ban lãnh đạo cho biết hai công ty này mới đi vào hoạt động từ năm 2011 khấu hao lớn, sau đó gặp phải tình trạng thị trường khó khăn, giá thấp.

Năm vừa qua, thị trường khởi sắc, hai doanh nghiệp này báo lãi từ 6 – 7 tỉ đồng. HĐQT công ty cho biết đã chỉ đạo hai công ty đặt kế hoạch lợi nhuận tối thiểu từ 15 – 20 tỉ đồng trong năm 2019.  Theo kế hoạch, phải đến năm 2023 Tân Quang và Quán Triều mới có thể trả hết nợ gốc.


Bạch Mộc