|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tàu chở hàng đâm sập cầu lớn ở Mỹ: Từng xảy ra va chạm trong quá khứ, có nghi vấn về độ an toàn

16:01 | 27/03/2024
Chia sẻ
Con tàu đâm và phá huỷ cây cầu ở thành phố Baltimore có một lịch sử đầy sóng gió. Trước đây, nó từng xảy ra một vụ va chạm khác và các chuyên gia lo ngại về lực đẩy của con tàu.

Cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore đổ sập sau khi tàu Dali đâm vào rạng sáng ngày 26/3. (Ảnh: Bloomberg).

Thiệt hại ban đầu

Rạng sáng ngày 26/3 (theo giờ địa phương), tàu chở hàng Dali có sức chứa khoảng 10.000 container đã đâm sầm vào cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore (bang Maryland, Mỹ).

Kết quả là cây cầu đổ sập chỉ trong vài giây. Theo đưa tin từ Bloomberg, 6 người mất tích được cho là đã chết, hai người được cứu trong đó một người bị thương nặng.

Vụ việc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại trong nhiều tuần tới vì cảng Baltimore là cảng lớn thứ 11 tại Mỹ. Cảng này trung chuyển trung bình 207 tàu container mỗi tháng vào năm ngoái, theo tạp chí Lloyd’s List.

Baltimore là cảng đóng vai trò quan trọng về nhập khẩu ô tô và xe tải nhẹ cũng như xe công nông có bánh và máy móc xây dựng.

Theo dữ liệu từ cảng Baltimore, cảng này đã trung chuyển hơn 847.000 ô tô và xe tải nhẹ vào năm ngoái. Đây là năm thứ 13 liên tiếp Baltimore dẫn đầu tất cả các cảng ở Mỹ về nhập khẩu ô tô và xe tải nhẹ.

Xét về kim ngạch, cảng Baltimore nhập khẩu tổng cộng 55,2 tỷ USD hàng hoá trong năm 2023, trong đó 23 tỷ USD là ô tô và xe tải nhẹ. 

Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của cảng Baltimore bao gồm than đá, khí đốt tự nhiên, linh kiện hàng không vũ trụ, máy móc xây dựng, linh kiện nông nghiệp và đậu nành.

Đáng chú ý, Baltimore là cảng xuất khẩu than nhộn nhịp thứ hai của Mỹ sau Hampton Roads, theo hãng tư vấn Wolfe Research.

Bên cạnh đó, cầu Francis Scott Key cũng cần được thiết kế và xây dựng lại. Quá trình này có thể mất nhiều năm và rất tốn kém.

Ông Richard Meade, tổng biên tập của Lloyd’s List, dự kiến việc xây lại cầu sẽ mất hơn hai năm. Năm 1977, cây cầu hoàn thiện với kinh phí 60 triệu USD.

Theo đưa tin từ Bloomberg, hiện chưa rõ nguyên nhân khiến tàu Dali đâm vào cầu Francis Scott Key. Song, một đoạn video cho thấy gần như toàn bộ đèn của con tàu container đã tắt ngay trước khi va chạm.

Lịch sử sóng gió

Tàu Dali đóng vào năm 2015. Theo nền tảng VesselFinder, con tàu này từng đâm vào một bức tường đá tại cảng Antwerp (Bỉ) vào năm 2016 trong quá trình diễn tập nhổ neo.

Kết quả là tàu bị hư hỏng ở phần đuôi nhưng vẫn nổi. Sau đó, tàu được đem đi sửa chữa. Washington Post đưa tin con tàu đã được bán cho công ty Grace Ocean Private của Singapore sau vụ tai nạn đó.

Gần đây hơn, các chuyên gia từng đặt nghi vấn về tình trạng của con tàu. Tháng 6 năm ngoái, một cuộc kiểm tra an toàn định kỳ tại San Antonio (Chile) đã phát hiện các vấn đề liên quan đến một số đồng hồ đo và nhiệt kế gắn đến động cơ đẩy và máy móc phụ trợ của Dali, theo tổ chức Tokyo MoU.

Song, theo cơ sở dữ liệu hàng hải Equasis, một cuộc kiểm tra khác của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ vào cuối năm ngoái không tìm thấy lỗi kỹ thuật nào.

Trong một tuyên bố, chính phủ Singapore nhấn mạnh hồ sơ và các chứng chỉ theo luật định cho thấy cấu trúc và chức năng của các thiết bị trên tàu Dali vẫn bình thường tại thời điểm xảy ra sự cố ở Baltimore.

Con tàu cũng đã vượt qua hai cuộc kiểm tra ở các cảng nước ngoài vào tháng 6 và tháng 9 năm ngoái. Máy đo áp suất nhiên liệu bị lỗi nhưng đã được sửa trước khi tàu rời các cảng này.

Hiện tại, tàu Dali được quản lý và vận hành bởi Synergy Marine, và được gã khổng lồ vận tải biển A.P. Moller-Maersk của Đan Mạch thuê.

Người phát ngôn của Synergy Marine cho biết con tàu có khoảng 4.900 container trên khoang vào thời điểm xảy ra vụ va chạm mới nhất. Các giám đốc cấp cao của công ty đang đến hiện trường để đánh giá tình hình.

Khả Nhân