|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư cảng biển, logistics tại Vũng Áng

10:11 | 28/10/2019
Chia sẻ
Theo ông Chen Zhiping - Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Cảng Hạ Môn (Trung Quốc), cảng Vũng Áng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh này vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Cảng Hạ Môn (Trung Quốc) về việc mở tuyến container từ cảng Vũng Áng - cảng Hạ Môn và đầu tư logistics tại đây.

p1-1443

Các tàu thuyền lớn bốc dỡ hàng hóa tại cảng Vũng Áng. (Ảnh: Nhà Đầu tư)

Tại buổi tiếp, Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Cảng Hạ Môn Chen Zhiping cho biết, Hạ Môn là thành phố ven biển nhìn ra eo biển Đài Loan thuộc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).

Cảng Hạ Môn nằm trong 7 cảng hàng đầu của Trung Quốc và là cảng container lớn thứ 16 thế giới. Đây là cảng nước sâu có thể đón tàu 50.000 tấn cập cảng, tàu 100.000 tấn vào neo đậu trong cảng. Cảng có các tuyến đi châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Địa Trung Hải...

Từ đó, ông Chen Zhiping muốn nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ngành liên quan để Tập đoàn Cảng Hạ Môn có cơ hội hợp tác, đầu tư trên lĩnh vực cảng biển, logistics..

"Qua khảo sát về điều kiện hạ tầng tại cảng Vũng Áng, việc kết nối với các cảng biển quốc tế cũng như hệ thống giao thông đường bộ kết nối trong nước qua Lào, Thái Lan…, chúng tôi thấy cảng Vũng Áng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển", ông Chen Zhiping cho hay.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết, Hà Tĩnh đang tập trung kêu gọi và thu hút các dự án về cảng biển, trung tâm logistics, ngành công nghiệp hậu thép vào khu kinh tế Vũng Áng.

Ngoài ra, ông Thắng cho biết thêm, hiện nay Chính phủ Lào đang cho nghiên cứu khả thi về dự án đường sắt nối Lào - Việt Nam. Tuyến đường sắt mới có chiều dài khoảng 400 km, chạy từ huyện Thakhek (Lào) đến cảng Vũng Áng của Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 2 tỉ USD.

"Tuyến đường sắt này sẽ là cửa ngõ quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác, đầu tư tuyến vận tải hàng hóa từ Lào, Thái Lan đi các nước và chiều ngược lại thông qua cảng biển Vũng Áng", ông Thắng cho hay.

Phía Hà Tĩnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để để Tập đoàn Cảng Hạ Môn khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, logistics tại Vũng Áng.

Được biết, Tập đoàn Cảng Hạ Môn là doanh nghiệp có nhiều máy móc, phương tiện kĩ thuật tiên tiến trong bốc dỡ hàng hóa; là cảng có tốc độ thông quan nhanh nhất Trung Quốc.

Theo qui hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế Vũng Áng (thành lập vào năm 2007) là trung tâm phát triển công nghiệp luyện thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực và của cả nước của khu vực miền Trung và cả nước.

Hiện nay khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút 137 dự án đầu tư, trong đó có 80 dự án đầu tư trong nước, 57 dự án đầu tư FDI. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, cầu cảng, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, phát triển hậu thép...

Trước đó, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang tìm hiểu khảo sát đầu tư vào Vũng Áng như: Liên doanh giữa Tập đoàn Lee & Man (Hồng Kông) và Hokuetsu (Nhật Bản); Công ty Điện khí Siemens (CHLB Đức); Công ty Wei Yu Engineering (Đài Loan, Trung Quốc)...

Thu Hà