|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn Lã Vọng và loạt dự án ‘đất vàng’ tai tiếng giữa Thủ đô

11:24 | 13/06/2018
Chia sẻ
Tập đoàn Lã Vọng đã và đang thực hiện nhiều dự án bất động sản ở các vị trí “đất vàng” của Hà Nội. Không ít trong số đó bỏ hoang hoặc từng dính phải những lùm xùm, tai tiếng...

Chân dung Tập đoàn Lã Vọng

Mới đây, Thủ tướng vừa chỉ đạo thanh tra các dự án của CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng cùng các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội. Nguyên nhân là bởi báo chí liên tiếp phản ánh doanh nghiệp này được ưu ái giao nhiều khu đất vàng tại Hà Nội để thực hiện dự án, trong đó có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Theo Cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia, CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng có mã số doanh nghiệp 0500583624, chính thức thành lập hồi tháng 4/2008, địa chỉ trụ sở chính tại thôn 7, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

Công ty này sau đó phát triển theo mô hình tập đoàn (trở thành Tập đoàn Lã Vọng) và các cổ đông sáng lập của công ty cũng trở thành những lãnh đạo đứng đầu tập đoàn gồm ông Lê Văn Vọng (Chủ tịch HĐQT), ông Lê Văn Vân (Phó Chủ tịch HĐQT) và ông Lê Văn Hải (Thành viên HĐQT).

Ông Lê Văn Vọng còn được biết đến là lãnh đạo, người đại diện theo pháp luật của nhiều công ty khác được thành lập sau này.

tap doan la vong va loat du an dat vang tai tieng giua thu do
Đại gia Lê Văn Vọng vướng phải nhiều lùm xùm vì bất động sản.

Đầu tiên phải kể đến CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới do ông Lê Văn Vọng làm người đại diện theo pháp luật. Công ty này thành lập năm 2009; địa chỉ trụ sở chính tại số 54, đường Nguyễn Khuyến, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Các ngành nghề kinh doanh đăng ký gồm Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng; dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng; Môi giới bất động sản (BĐS) dịch vụ nhà đất; Đầu tư xây dựng khu đô thị và nhà ở; Xây dựng các công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi…

Đến tháng 8/2016, ông Vọng tiếp tục góp vốn thành lập CTCP Lã Vọng Group, mã số doanh nghiệp là 0107526067, địa chỉ trụ sở chính tại sàn 5B, tầng 5, tòa nhà 25T2, khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Công ty này có vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng với ba cổ đông sáng lập gồm: ông Lê Văn Vọng góp 300 tỷ đồng, chiếm 60% tổng vốn; ngoài ra có ông Lê Văn Hải và bà Đặng Thị Như Trang mỗi người góp 100 tỷ đồng và chiếm tỷ lệ cổ phần 20% - 20% còn lại.

Lã Vọng Group đăng ký 36 ngành nghề kinh doanh. Trong đó có ngành kinh doanh BĐS, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Tư vấn, môi giới, đấu giá BĐS, đấu giá quyền sử dụng đất; Xây dựng công trình công ích; Xây dựng công trình đường sắt và đường bộ; Xây dựng nhà các loại; Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động…

Tại lần đăng ký thay đổi thông tin vào tháng 1/2018, người đại diện theo pháp luật của công ty này đã đổi từ Tổng Giám đốc Lê Văn Vọng sang Tổng Giám đốc Đỗ Minh Đàm. Tuy nhiên, các cổ đông sáng lập của công ty vẫn giữ nguyên ba người là ông Vọng, ông Hải và bà Trang.

Thông tin về vị đại gia Lê Văn Vọng này không có nhiều, trên Cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia chỉ cho biết, ông Vọng sinh năm 1977, dân tộc Kinh, hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện tại đều tại phố Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội. Trong phần thông tin về Ban Lãnh đạo của Tập đoàn Lã Vọng nhắc đến ông Vọng là cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Quản trị kinh doanh của Đại học Preston – Mỹ.

Các dự án trên 'đất vàng' Hà Nội của Tập đoàn Lã Vọng

Ban đầu, Tập đoàn Lã Vọng chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống giải trí và sở hữu chuỗi cửa hàng mang thương hiệu “Lã Vọng” tại Hà Nội như nhà hàng Buffet Hải Sản Lã Vọng, nhà hàng Sashimi BBQ Garden; nhà hàng Hầm Lã Vọng (cùng ở Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa Nhân Chính, quận Cầu Giấy); nhà hàng Lã Vọng – Thế Giới Bia (tại số 169 Hoàng Ngân, Phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy); nhà hàng hải sản Lã Vọng (ở bán đảo Hoàng Cầu) hay nhà hàng Lã Vọng – Lẩu Cua Đồng (nằm trên quốc lộ 21, Cầu Vai Réo, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai).

Doanh nghiệp bắt đầu được chú ý nhiều hơn khi chuyển sang kinh doannh bất động sản (BĐS) bắt đầu từ khoảng năm 2008. Theo website chính thức của doanh nghiệp, hiện đơn vị đã và đang thực hiện nhiều dự án BĐS ở các vị trí “đất vàng” của Hà Nội. Trong đó, các dự án lớn nhất của Tập đoàn như Louis City (tại Đại Mỗ); New House City (tại huyện Quốc Oai) và New House Xa La (tại Hà Đông) đều đang dính phải những vụ lùm xùm không nhỏ.

Dự án New House Xa La do liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ và CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới đầu tư. Trong đó, Công ty Sông Nhuệ là doanh nghiệp Nhà nước thành lập năm 2008, vốn điều lệ 600 tỷ đồng và có 10.553 m2 đất trụ sở cơ sở 2 tại Khu đô thị Xa La, Hà Đông.

Năm 2014, thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sông Nhuệ và Công ty Ngôi Nhà Mới thực hiện dự án “đầu tư xây dựng trụ sở làm việc (cơ sở 2) và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại”. Đến tháng 1/2015, Công ty Sông Nhuệ đã ký hợp đồng ủy quyền “toàn diện” cho Công ty Ngôi Nhà Mới thực hiện đầu tư xây dựng dự án trên. Dự án khởi công quý IV/2015, gồm một tòa nhà 21 tầng (tính cả tầng kỹ thuật, tầng mái tum và tầng hầm), được xây dựng trên diện tích gần 968 m2 với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty Sông Nhuệ phải đi thuê lại tầng 2, Tòa nhà Thủy lợi số 28A, đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông làm trụ sở làm việc và “nhường” toàn bộ diện tích đất nói trên cho Công ty Ngôi Nhà Mới thực hiện đầu tư dự án NewHouse Xa La. Theo Reatimes nhận định, bản chất thương vụ này là Tập đoàn Lã Vọng bỏ tiền cải tạo trụ sở làm việc cho Công ty Sông Nhuệ và nắm quyền khai thác kinh doanh “đất vàng” trên danh nghĩa hợp tác. Bộ Tài Chính đánh giá việc sắp xếp lại cơ sở nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước tại dự án này không đấu giá công khai theo quy định.

Dự án khu đô thị cao cấp Ngôi nhà mới (New House City) nằm tại Km17 trên Đại lộ Thăng Long (đoạn qua Quốc Oai) được phê duyệt năm 2008. Đến nay đã 10 năm trôi qua nhưng dự án vẫn bỏ hoang, chưa có nhiều cư dân chuyển về sinh sống, còn lại hầu hết là nhà xây rồi để đấy hoặc đang xây dở phần thân, có căn mới xây xong phần móng hoặc vẫn chưa hề xây dựng...

Dự án có quy mô 27,5 ha với 258 lô biệt thự, chia làm 4 khu cả cả song lập và đơn lập với diện tích khoảng gần 200 – gần 600 m2/căn.

tap doan la vong va loat du an dat vang tai tieng giua thu do
Đến cuối năm 2017, Khu đô thị Ngôi nhà mới vẫn chỉ có lác đác vài hộ chuyển về ở. (Ảnh: Đầu tư Bất động sản)

Còn dự án Louis City khởi công tháng 9/2016 trên khu đất rộng 30,5 ha với tổng vốn dự kiến ban đầu là hơn 500 tỷ đồng. Các sản phẩm BĐS được đầu tư tại đây có 28 biệt thự, gần 600 căn liền kề, 2.000 căn hộ chung cư cao cấp thiết kế theo kiến trúc Phục Hưng của Pháp với giá bán khoảng 20 – 90 triệu đồng/m2. Hiện dự án đang xây dựng, hoàn thiện các căn nhà phố, liền kề và biệt thự.

Được biết, Tập đoàn Lã Vọng được đổi lấy quỹ đất gần 10 ha tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) để làm dự án này sau khi thực hiện dự án BT cải tạo hồ ở quận Long Biên (theo hình thức chỉ định thầu).

Cũng được chỉ định thầu trong dự án BT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, nhà đầu tư dự án là CTCP đầu tư Louis Group (Louis Group) thành lập tháng 3/2017, do ông Lê Văn Vọng là người đại diện theo pháp luật.

Vào tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức BT. Nhà đầu tư được chỉ định thầu là CTCP Đầu tư Louis Group, Hà Nội sẽ dùng nhiều lô đất (trong đó có nhưng lô "đất vàng" để trả cho nhà đầu tư này.

Zing thông tin, trước đó vào cuối năm 2009, Hà Nội đã chấp thuận cho Tổng công ty Sông Đà nghiên cứu lập, hoàn chỉnh đề xuất dự án. Tuy nhiên đến tháng 7/2017 thì Tổng công ty này chỉ có 1 tỷ đồng vốn góp (tương đương với 0,15% tổng vốn) tại Louis Group và UDIC là 67,5 tỷ đồng (10%). Gần 90% cổ phần còn lại thuộc về CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới và CTCP Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An.

Louis Group thành lập ngày tháng 3/2017, do ông Lê Văn Vọng là người đại diện pháp luật. Còn tại Công ty Đại An, hai cổ đông sáng lập là ông Lê Văn Vân và bà Ngô Thị Toàn. Ông Lê Văn Vọng và ông Lê Văn Vân có cùng địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Ngoài ra, Tập đoàn Lã Vọng còn vướng lùm xùm sử dụng đất sai mục đích đối với 5 lô đất ký hiệu DX1, DX2, DX3, DX4, CX1. CX2 khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, do CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới và CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng thực hiện. Các lô đất này vốn được quy hoạch làm bãi đỗ xe, xây xanh kết hợp dịch vụ công cộng nhưng đến nay lại biến thành tổ hợp nhà hang ăn uống quy mô lớn.

Một công trình khác là nhà hàng trên bán đảo hồ Đống Đa do CTCP Đầu tư và Phát triển Hà Thủy làm chủ đầu tư có diện tích 5.600 m2. Trong đó có 4 khu vực sử dụng không đúng mục đích ban đầu theo thiết kế, cụ thể có khu được phê duyệt để xây mới công trình vui chơi giải trí và dịch vụ tổng hợp lại được kinh doanh nhà hàng và treo biển hiệu “Lã Vọng”…

Xem thêm

Hiếu Quân

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.