|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn khai mỏ lớn nhất thế giới: 'Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không ảnh hưởng trực tiếp đến chúng tôi'

13:32 | 26/06/2019
Chia sẻ
Sự phát triển cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy nhu cầu quặng sắt và than trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang.
bhp gđ

Giám đốc điều hành BHP Andrew Mackenzie. Ảnh: Manami Yamada

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn hoạt động ổn định bất chấp cuộc chiến thương mại với Mỹ, người đứng đầu BHP Billiton của Australia, tập đoàn khai mỏ lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây, theo Nikkei.

Chiến tranh thương mại đã làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm nhu cầu quặng sắt và than toàn cầu, nhưng CEO Andrew Mackenzie của tập đoàn BHP cho rằng cuộc chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu Mỹ và Trung Quốc không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của BHP.

"Phần lớn nguyên liệu chúng tôi sản xuất được xuất khẩu sang châu Á và sau đó được chuyển đổi thành hàng hóa và bán lại ở những nơi khác trên thị trường này. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến chúng tôi", ông Andrew Mackenzie cho biết trong một chuyến thăm Tokyo.

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn hoạt động khá mạnh và ngành thép, sản phẩm chính của BHP, đang hoạt động rất tốt một phần do sự tập trung của Bắc Kinh vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, ông Mackenzie cho hay.

Trung Quốc đang cố gắng bù đắp tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Mỹ bằng cách phát triển xây dựng. Trong tháng 6, Bắc Kinh đã nới lỏng các hạn chế về tài chính cho dự án cơ sở hạ tầng để chính quyền địa phương có thể sử dụng tiền thu được từ trái phiếu đặc biệt để đảm bảo tiến trình xây dựng.

"Sản xuất thép ở Trung Quốc đang ở mức kỉ lục," ông Mackenzie cho biết, đồng thời nhấn mạnh các doanh nghiệp khai thác quặng sắt và luyện kim của BHP vẫn đang hoạt động tốt.

Giá than cốc trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên đã đạt 118 USD/tấn, tăng 66% so với đầu năm 2019. Bên cạnh đó, giá quặng sắt cũng tăng 66% lên mức 131 USD/tấn. 

Sự gia tăng của giá quặng sắt là do gián đoạn nguồn cung hồi đầu năm 2019, khi một con đập của tập đoàn Vale của Brazil sụp đổ. Tuy nhiên, ông Mackenzie cho rằng nguyên nhân một phần là nhu cầu thép nội địa Trung Quốc cũng rất cao.

Châu Á chiếm phần lớn nhu cầu than, quặng sắt và thép toàn cầu. Thị trường hiện nay bị chi phối bởi những gì diễn ra ở châu Á và Trung Quốc, ông Mackenzie nhận định.

BHP khai thác một loạt các nguồn tài nguyên gồm dầu, kim loại, than và quặng. Tuy nhiên, năm 2018, tập đoàn này đã chuyển giao hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ cho BP, công ty dầu khí có trụ sở tại London, Anh, với giá 10,5 tỉ USD mặc dù công ty này hoạt động không tốt bằng các doanh nghiệp khác của BHP.

Ông Mackenzie giải thích vòng đời của đá phiến tương đối ngắn nên chi phí của mặt hàng này khá đắt đỏ.

Thay vào đó, BHP đặt mục tiêu tăng sản lượng đồng và niken, hi vọng sẽ đáp ứng nhu cầu tăng về cáp điện và pin cho ô tô điện.

Ngành công nghiệp khai thác đang phải chịu áp lực từ các nhà đầu tư quan tâm đến biến đổi khí hậu và kêu gọi phát triển bền vững hơn. 

Theo ông Mackenzie, BHP sẽ tiếp tục kinh doanh dầu thông thường ở nước ngoài, nhưng hiện tại tập đoàn không có khả năng đầu tư nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện so với một số mặt hàng khác trong nhiều thập kỉ tới.

Ngày 19/6, BHP đã kí một thỏa thuận với Mitsubishi Development, một công ty con của tập đoàn thương mại Nhật Bản Mitsubishi Corp, để giảm lượng khí thải trong một loạt các ngành công nghiệp, gồm cả thép.

Động thái này được thực hiện sau khoản đầu tư 6 triệu USD gần đây của BHP vào Công ty Carbon Engineering của Canada, nơi đã phát triển các công nghệ chiết xuất carbon dioxide từ khí quyển để chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Ngọc Ánh