Tập đoàn Cao su Việt Nam có thể cán đích kế hoạch năm nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính
Ngày 31/10, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) để đánh giá tình hình sản xuất – kinh doanh năm 2022 và thông tin xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thành, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của GVR cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chính được giao.
10 tháng đầu năm sản lượng cao su khai thác ước đạt 318.000 tấn, thu mua đạt 63.500 tấn, tiêu thụ khoảng 355.000 tấn. Tập đoàn dự kiến sản lượng khai thác cao su cả năm 2022 vượt khoảng 5% kế hoạch. Về gỗ MDF, sản lượng 10 tháng đạt 887.000 m3, đạt 84% kế hoạch và dự kiến hoàn thành kế hoạch năm 2022. Trong khi đó, tập đoàn cho thuê 23,7 ha diện tích đất khu công nghiệp.
Đại diện GVR dự báo doanh thu, lợi nhuận của tập đoàn có khả năng đạt kế hoạch nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính.
Ba quý đầu năm, cơ cấu doanh thu hoạt động tài chính của tập đoàn đến phần lớn từ lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá. Với 15.940 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng tại ngày 30/9, GVR thu về 473 tỷ đồng lãi tiền gửi trong 9 tháng.
Ngoài ra, trong năm nay, tập đoàn có dự kiến thoái vốn tại loạt doanh nghiệp với lợi nhuận đem về ước tính 500 - 600 tỷ đồng, thông tin tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.
Theo Đề án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025, GVR sẽ tiếp tục thoái vốn đối với các công ty không hiệu quả, không cần thiết nắm giữ (kể cả công ty đang hoạt động hiệu quả). Thực hiện sáp nhập các công ty có quy mô nhỏ, cùng ngành nghề để tiết kiệm chi phí vận hành.
Bên cạnh đó tập đoàn sẽ thực hiện thoái vốn, giảm vốn (mua cổ phiếu quỹ, hoàn trả vốn góp cho các cổ đông) trong lĩnh vực cao su để tập trung nguồn lực cho phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su, các dự án chế biến gỗ (đây là các lĩnh vực GVR có lợi thế) nhằm đảm bảo cân đối về vốn đầu tư, nguồn thu giữa 3 trụ cột “Cao su - Khu công nghiệp - Chế biến gỗ”.
Với định hướng tái cơ cấu toàn diện, tập đoàn sẽ có nguồn thu từ thoái vốn đầu tư (lãi do thoái vốn) để bổ sung/hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn.
Tại ngày 30/9, GVR góp vốn vào 101 công ty con. Song song đó là đầu tư vào 15 công ty liên doanh liên kết với giá gốc 1.995 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 2.404 tỷ. Ngoài ra, tập đoàn rót 384 tỷ đồng để góp vốn vào 14 đơn vị khác, và trích lập dự phòng hơn 24 tỷ. Quý III, GVR nhận chỉ về 5,3 tỷ đồng từ cổ tức lợi nhuận được chia.
GVR hoạt động chính trong 5 lĩnh vực, tuy nhiên mảng chiếm lợi nhuận cao nhất vẫn là cao su. Hằng quý, doanh thu từ kinh doanh mủ cao su đóng góp trên 50% vào doanh thu thuần của tập đoàn, có quý lên tới 77% (quý IV/2021). Quý III vừa qua, mảng cao su đem về hơn 3.846 tỷ đồng doanh thu cho GVR, chiếm 66% doanh thu thuần của tập đoàn.