Lãnh đạo Bamboo Capital: Trái phiếu đáo hạn trong năm nay không phải là vấn đề lớn của tập đoàn
Tuần trước, CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) đã tổ chức hội thảo trực tuyến gặp gỡ nhà đầu tư để cập nhật tình hình kinh doanh quý III cũng như thời gian tới.
Quý III, Bamboo Capital (Mã: BCG) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.177 tỷ đồng, tăng trưởng 157% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 39,5 tỷ đồng, giảm gần 82%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận 3.311 tỷ đồng doanh thu và hơn 885 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Cơ cấu doanh thu quý III của BCG đến từ mảng bất động sản đóng góp 258 tỷ, năng lượng tái tạo 272 tỷ và 506 tỷ đồng đến từ mảng xây dựng.
Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn giảm phần lớn là do doanh thu tài chính trong quý III/2022 giảm mạnh. Theo BCG, việc huy động vốn khó khăn cùng lãi suất tăng cao đã làm cho thị trường M&A bị đóng băng trong quý III. Doanh nghiệp đã rà soát lại danh mục đầu tư và xem xét các cơ hội trên thị trường, tuy nhiên chưa có giao dịch nào được thực hiện, trong khi phần lớn lợi nhuận trong quý III năm ngoái đến từ mảng dịch vụ tài chính thông qua các hoạt động M&A này.
Một nguyên do khác là chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng so với cùng kỳ năm ngoái sau khi hợp nhất thêm ba công ty từ đầu năm 2022 bao gồm: Công ty Bảo hiểm AAA, Công ty BCG – Băng Dương và Công ty Hanwha BCG Băng Dương.
Đối với mảng bất động sản (BĐS), ngoài những khó khăn về điều kiện thị trường thay đổi, BCG còn gặp một số khó khăn khác do cơn bão số 4 tại Đà Nẵng khiến hai dự án chính là Malibu Hội An và Hội An D'Or cần hoàn thiện lại một phần cảnh quan.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Minh Tuấn cho biết, tiến độ hai dự án nói trên ảnh hưởng nhiều nhất đến triển vọng doanh thu năm nay của tập đoàn. Khả năng cao một phần dự án không thể hoàn thiện trong năm nay, do đó doanh thu và lợi nhuận sẽ chuyển một phần sang năm sau. Năm 2022, ông Tuấn dự kiến tập đoàn sẽ gần đạt chỉ tiêu kinh doanh cả năm.
Đại diện BCG Land bổ sung thêm, với tình hình thị trường hiện tại, những công ty có lượng hàng tồn kho lớn sẽ ảnh hưởng nặng nề. Trong khi lượng hàng tồn kho của BCG Land không đáng kể. Đồng thời công ty cũng tận dụng cơ hội này để phát triển dòng BĐS cao cấp. Tính đến cuối tháng 9, hàng tồn kho của BCG là 2.848 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm và chiếm gần 7% tổng tài sản của tập đoàn.
Song song đó, ông Tuấn cho biết việc tăng lãi suất chung có ảnh hưởng đến chi phí đầu tư BĐS của tập đoàn. Tuy nhiên do margin BĐS cao, lợi nhuận sụt giảm một phần nhỏ. Lãnh đạo BCG khẳng định việc tăng lãi suất không ảnh hưởng trọng yếu đến tính hoạt động liên tục của tập đoàn.
Tính đến cuối quý III, BCG đi vay tổng cộng 15.536 tỷ đồng, tăng 1.855 tỷ, tương ứng tăng 14% so với ngày đầu năm. Quý III, BCG phải trả gần 296 tỷ đồng chi phí lãi vay, lãi trái phiếu.
Đối với mảng năng lượng tái tạo (NLTT), hầu hết các dự án đã được hưởng giá FIT và neo theo đồng USD. Khi tỷ giá tăng lên, doanh thu của các dự án này sẽ cao hơn, từ đó bù đắp được một phần chi phí đầu vào tăng. Một số dự án NLTT được áp dụng lãi suất cố định trong thời dài nhất định nên không chịu ảnh hưởng của việc lãi suất tăng.
Khi được cổ đông hỏi về ý định bán mảng NLTT, ông Tuấn cho biết tập đoàn đã đề ra chiến lược từ đầu, bởi môi trường vốn trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu vốn khổng lồ của mảng này, do đó phải tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài. Tuy nhiên tập đoàn sẽ phối hợp với các nhà đầu tư quốc tế cùng đầu tư tại công ty năng lượng. Nếu có nhà đầu tư chiến lược muốn phát triển dự án cụ thể, tập đoàn sẽ cân nhắc.
Tại hội thảo, ông Phạm Minh Tuấn cho biết EVN và Bộ Công Thương đang xây dựng khung giá cho các dự án năng lượng chuyển tiếp, chủ yếu là điện gió, điện mặt trời không kịp hưởng ưu đãi theo các quyết định của Thủ tướng. Trong đó có khoảng 452 MW là điện mặt trời và 62 dự án điện gió công suất 3,5GW. BCG có ba dự án nằm trong diện chuyển tiếp, gồm khoảng 163 MW điện mặt trời và 100 MW điện gió.
Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm tập đoàn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư điện mặt trời áp mái tại phía Bắc, đặc biệt là Hải Phòng. Tuy nhiên do các chính sách, cơ hội có thể kém hấp dẫn hơn so với ở phía Nam.
Thực tế, thị trường biến động, quá trình xây dựng các dự án NLTT của BCG sẽ có độ trễ từ năm 2023 và 2024. Nhưng về cơ bản năm 2025 vẫn sẽ cố gắng đạt mục tiêu phát triển 2 GW NLTT, Phó Chủ tịch BCG nói.
Về mảng bảo hiểm, đại diện Bảo hiểm AAA cho biết hiện tại công ty đang nằm ngoài top 20, mục tiêu sẽ đưa Bảo hiểm AAA lọt vào top 10. Theo kế hoạch, năm sau, công ty sẽ tăng vốn thêm 500 tỷ đồng nhằm mở rộng thêm các chi nhánh khắp 65 tỉnh thành và phát triển công nghệ mới. Hiện tại, Bảo hiểm AAA có 40 chi nhánh.
Đối với mảng xây dựng hạ tầng của Tracodi, dự án đường cao tốc Gò Dầu Xa Mát (Tây Ninh) dự kiến được khởi công xây dựng từ năm 2024 đến 2026 với doanh thu khoảng 3.800 tỷ đồng. Cộng với dự án trục kinh tế bắc nam tại Sóc Trăng là 3.000 tỷ đồng, dự kiến mảng hạ tầng sẽ đem về cho Tracodi khoảng 6.800 tỷ đồng giai đoạn 2024 - 2026.
Tính đến cuối tháng 9/2022, BCG đi vay tổng cộng 15.536 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu là 7.544 tỷ, chiếm 49% tổng vay nợ.
Trả lời cổ đông về vấn đề trái phiếu, ông Phạm Minh Tuấn cho biết trái phiếu đáo hạn của tập đoàn trong quý IV/2022 là 450 tỷ đồng và đáo hạn vào tháng 12 tới. Năm sau, công ty không có trái phiếu đáo hạn. "Với lượng tiền và tương đương tiền trên 1.300 tỷ đồng, khoản trái phiếu đáo hạn trên không phải vấn đề lớn của tập đoàn", ông Tuấn nói.
Về mục tiêu tăng vốn lên trên 10.000 tỷ đồng, hiện tập đoàn đã hoàn thành việc chia ESOP và cổ tức cho cổ đông. BCG đang triển khai kế hoạch phát hành theo tỷ lệ 2:1 và thủ tục đang chờ phê duyệt. Dự kiến kế hoạch sẽ được phê duyệt vào cuối năm nay. Với kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư chiến lược, công ty sẽ cân nhắc thị trường để thực hiện. Ông Tuấn tin rằng giá cổ phiếu BCG hiện tại phản ánh tâm lý thị trường, chứ không phản ánh giá trị nội tại của doanh nghiệp. Hiện cổ phiếu BCG đang ở vùng 7.000 đồng/cổ phiếu.